Thủ tướng: Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc cho dự án đường dây 500kV mạch 3

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, dự án đường dây 500kV mạch 3, đoạn Quảng Trạch - Phố Nối là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có quy mô tương đối lớn (gần 1 tỉ USD), có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-1, tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành và 9 địa phương để thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên).

Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh có dự án đi qua (Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan.

thu tuong hop duong day 500kv.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp với các bộ ngành và địa phương liên quan đến dự án đường dât 500kV mạch 3. Ảnh: TP

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, việc bảo đảm điện gồm 5 khâu: Nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện, giá điện; trong đó dự án đường dây 500 kV mạch 3 "lẽ ra phải xây dựng từ nhiều năm trước" nhưng do điều kiện khách quan, chủ quan nên chưa làm. Thủ tướng nhấn mạnh đây là dự án trọng điểm quốc gia, cấp bách, có quy mô tương đối lớn (gần 1 tỉ USD), đi qua nhiều địa phương, có vai trò quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, góp phần không để lặp lại tình trạng thiếu điệu cục bộ như năm 2023, nhất là đối với khu vực miền Bắc.

"Đây là lợi ích của quốc gia, của dân tộc, của toàn dân, không phải việc của riêng ai, nên cùng với các đơn vị chủ công, nòng cốt, thì cả hệ thống chính trị, các bộ, các ngành, các địa phương có dự án đi qua phải vào cuộc, người dân, các tổ chức chính trị - xã hội phải tham gia, từ đó huy động sức mạnh tổng lực để triển khai, bù lại tiến độ, thời gian bị chậm trước đây. Áp lực càng lớn càng phải nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt điểm việc đó"- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu, việc triển khai dự án phải bảm bảo tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc, không để ảnh hưởng tới người dân, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

hop truc tuyen 500kV.jpg
Lãnh đạo các địa phương khẳng định đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 2 và 3-2024. Ảnh: TP

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các cơ quan liên quan giao ban hàng tháng để kiểm điểm, thúc đẩy tiến độ dự án; Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp chỉ đạo xử lý các vấn đề liên quan tới sử dụng đất rừng và sửa đổi Nghị định 156 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, qua kiểm tra thực tế, dù nhiều địa phương sắp hoàn thành công tác bàn giao mặt bằng nhưng chủ đầu tư, đơn vị thi công vẫn cần có những điều chỉnh về cách làm nếu muốn bảo đảm tiến độ đề ra.

Thủ tướng yêu cầu, cần đổi mới cách làm theo hướng phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan; đồng thời phân định rõ những việc mà các chủ thể, doanh nghiệp ở địa phương có thể tham gia hoặc hỗ trợ một phần (như giải phóng mặt bằng, tạo không gian thi công, xây dựng đường hậu cần, đào hố móng, đúc móng theo thiết kế); những việc cần chuyên môn cao hơn mà EVNNPT phải đóng vai trò chủ công hoặc làm 100% (như dựng cột, kéo dây).

"Mua nguyên vật liệu ở đâu tốt nhất thì không ai bằng người ở địa phương. Việc đào móng, làm móng không có gì phức tạp thì các doanh nghiệp tại địa phương cũng có thể làm. Việc này còn giúp tạo công việc cho doanh nghiệp, người dân địa phương, đồng thời nâng cao năng lực của doanh nghiệp, người lao động. Có thể chỉ định thầu, miễn là không có tiêu cực, tham nhũng"- Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các đơn vị liên quan huy động tối đa nhân lực, vật lực, trong đó có lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư tại chỗ; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ hiện đại, thi công "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc xuyên lễ, xuyên Tết", "ăn tranh thủ ngủ khẩn trương"; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh về pháp lý.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tính toán rất kỹ lưỡng, cụ thể từng công việc cần làm. "Giải phóng mặt bằng xong rồi nhưng như tôi đi khảo sát có những nơi bốn phía đều là ruộng lúa của người dân đang đổ ải, vậy thì vận chuyển vật tư, thiết bị… vào khu vực thi công thế nào?"- Thủ tướng lấy ví dụ.

Trước đó, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, khối lượng công việc còn lại rất nhiều. Đặc biệt, khâu giải phòng mặt bằng vẫn chậm ở một số tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương khẳng định đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư vào tháng 2 và 3-2024.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An đang chậm bàn giao mặt bằng vị trí móng cột so với tiến độ với các địa phương khác. Nguyên nhân xuất phát từ quá vị trí cắm mốc của chủ đầu tư. Sau khi chủ đầu tư cắm mốc, địa phương mới đo đạc, kiểm đếm, thông báo thu hồi, xác định nguồn gốc đất, áp giá và bồi thường.

Dù giai đoạn vừa qua tiến độ giao mặt bằng chậm hơn so với các tỉnh khác nhưng Nghệ An cam kết cùng chủ đầu tư giải quyết xong các vướng mắc về giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ tại cuộc họp, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, chúng ta thấy còn rất nhiều việc phải làm và để làm được những việc đó rất cần sự vào cuộc quyết liệt khẩn trương và trách nhiệm của không chỉ chủ đầu tư của cơ quan quản lý đầu tư mà cả các ngành các địa phương đơn vị có liên quan.

Do đó, ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ sớm xem xét giao trách nhiệm cho các tỉnh quyết định chủ trương tác động vào rừng để làm nền tảng và các công trình tạm phục vụ thi công chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên phần móng cột...

Thủ tướng chỉ đạo các ngành các địa phương đơn vị liên quan chủ động tích cực và khẩn thiếu trách nhiệm làm việc hết sức mình với tư cách cũng là một trong những bên làm chủ dự án này thì mới có thể triển khai được.

Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy những dự án mà của quốc gia đi qua các địa phương mà thiếu vai trò của cấp ủy lãnh đạo cơ quan địa phương thì không bao giờ có thể thực hiện được. Cho nên tinh thần chỉ đạo của thủ tướng ngay từ đầu là phải gắn trách nhiệm với các địa phương các Bộ Ngành có liên quan vào dự án này thì dự án mới có thể thành công”- Ông Diên nói.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối (500 kV mạch 3 kéo dài) gồm 4 dự án thành phần; có tổng chiều dài khoảng 519 km với 1.179 vị trí móng cột; tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỉ đồng. Dự án đi qua địa bàn 211 xã, phường của 43 huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh gồm: Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên.

Trong đó, dự án thành phần được khởi công xây dựng sớm nhất vào ngày 25-10-2023 là dự án Đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Thanh Hóa; 3 dự án thành phần còn lại là Đường dây 500 kV Nhà máy nhiệt điện Nam Định I - Phố Nối; Quỳnh Lưu - Thanh Hóa và Quảng Trạch - Quỳnh Lưu đồng loạt khởi công ngày 18-1-2024. Dự kiến toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào tháng 6-2023.

Trước đó, đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi - Pleiku 2 đã được đóng điện mang tải vào giữa tháng 8-2022.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm