Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Hà Nội phải sẵn sàng chấp nhận cái mới

Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư quy mô lớn nhất từ trước đến nay do Hà Nội tổ chức với sự tham gia của 800 khách mời trong nước và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

“Để phát huy được các tiềm năng, thế mạnh, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội phát triển, Hà Nội cần gỡ bỏ được các rào cản làm trì trệ hay thậm chí chệch hướng sự phát triển của thủ đô. Cụ thể là môi trường đầu tư kém thông thoáng và bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho hay hiện chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thế chế; quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân. Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Hà Nội, cũng như các tỉnh, thành khác cần quán triệt tinh thần này.

Đánh giá cao những thành tựu và sự chuyển mình của Hà Nội trong thời gian qua, Thủ tướng cũng yêu cầu Hà Nội thực hiện một số mục tiêu như: Thứ nhất, đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. ”Muốn như vậy, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta”, Thủ tướng nói.

Thứ hai, đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân, doanh nghiệp;

Thứ ba là Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng, để mở rộng không gian phát triển, cộng hướng những lợi thế sẵn có. Nếu Hà Nội cần một cơ chế đặc biệt để hình thành liên kết vùng và giữ vai trò trung tâm trong mối liên kết đó thì có thể làm đề án đề xuất với Chính phủ;

Thứ tư, Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới việc làm quy hoạch có sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp, người dân, các chuyên gia và các ngành liên quan. Điều này để tránh Hà Nội trượt vào con đường “tắc nghẽn, ô nhiễm” trong quá trình đô thị hóa;

Và cuối cùng Hà Nội cần phải đi đầu thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản công. Khi phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh, khi áp dụng phương pháp quản trị doanh nghiệp như khu vực tư nhân thì DNNN cũng có thể đạt được hiệu quả như doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ khuyến khích Hà Nội thí điểm áp dụng các sáng kiến, các thông lệ tốt của quốc tế trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý tài sản công để nâng cao tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và gia tăng hiệu quả sử dụng vốn và tài sản công, tránh thất thoát, lãng phí, huy động được nguồn lực to lớn này cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của thủ đô.

 

Hà Nội: 5 năm tới thu hút khoảng 2,6 triệu tỉ đồng vốn đầu tư

Đó là số vốn thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016-2020 được Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung công bố tại Hội nghị “Hà Nội 2016-Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra sáng nay. Ông Chung cho biết Hà Nội đã đặt ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 là: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 8,5%-9,0%; năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; GRDP bình quân/người đạt 6.700-6.800 USD; huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020 khoảng 2,5-2,6 triệu tỉ đồng (tương đương mức tăng: 13%-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%...

Trong đó, ngân sách thành phố chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khung, dự án trọng điểm mang tính đặc thù nhà nước. Còn lại, thành phố đặc biệt coi trọng kêu gọi đầu tư tư nhân; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tập trung các dự án quy mô lớn, dự án sạch, có giá trị gia tăng cao, công nghệ sinh học, công nghệ cao... Đối với các dự án theo hình thức PPP, sẽ tập trung vào xã hội hóa kết cấu hạ tầng, ưu tiên tăng trưởng xanh, công viên và khu vui chơi giải trí, nhà ở cải tạo chung cư cũ, sản xuất công nghiệp phụ trợ... Theo đó, danh mục dự án được chủ tịch UBND thành phố thông tin cụ thể, bao gồm:

Thứ nhất, sẽ giới thiệu 52 với tổng mức đầu tư trên 338.000 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách gồm: 35 dự án hạ tầng kỹ thuật (4 dự án đường sắt đô thị, 6 dự án cầu qua sông Hồng và sông Đuống, 5 dự án khép kín các đường vành đai và 7 dự án giao thông khác; 13 dự án xử lý nước thải và rác thải tại các khu công nghiệp); 5 dự án về y tế; 12 dự án về nước sạch nông thôn.

Thứ hai, 43 dự án kêu gọi xã hội hóa với tổng mức đầu tư là 372,25 nghìn tỉ đồng, gồm: 15 dự án dịch vụ thương mại (3 dự án hạ tầng khu vùng công nghiệp, 5 dịch vụ thương mại và 7 dự án thương mại tập trung); 5 dự án hạ bãi đỗ xe ngầm với mức đầu tư 3.000 tỉ đồng; 11 dự án về công viên, tổng mức đầu tư 36.800 tỉ đồng; 10 dự án về nhà ở với tổng mức đầu tư 316.800 tỉ đồng; 2 dự án về nông nghiệp và công nghệ cao với vốn đầu tư 500 tỉ đồng.

Ông Chung cũng cho biết đến thời điểm hiện này đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn xin chủ trương đầu tư, trong đó có 52 dự án mà Hà Nội kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư gần 300.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu thu hút nguồn vốn khổng lồ trên, người đứng đầu chính quyền Hà Nội khẳng định Hà Nội đã, đang thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện cải cách hành chính theo hướng thông thoáng minh bạch, trên nguyên tắc phục vụ. Đồng thời tạo điều kiện cho các DN mới khởi nghiệp bằng cách thành lập quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp trong thời gian tới, cũng như có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các DN mới thành lập.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm