Thủ tướng: Nhà nước luôn bảo vệ những doanh nghiệp làm giàu chính đáng, minh bạch

(PLO)- Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động và tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 16-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi gặp mặt với Chủ tịch, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại, nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho giới Công Thương và 18 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10).

Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Ảnh: VGP

Đạt những kết quả quan trọng

Thủ tướng phân tích trong 9 tháng đầu năm, kinh tế thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt khả năng dự báo nhưng Việt Nam vẫn đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

"Ngành ngân hàng đã thực hiện rất tốt 2 nhiệm vụ: Vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vừa cung cấp vốn tín dụng hỗ trợ nền kinh tế. Ngành ngân hàng đã luôn ứng phó kịp thời những khó khăn, thách thức từ bên ngoài và bên trong trong suốt thời gian qua", Thủ tướng đánh giá.

Cũng theo Thủ tướng đánh giá, thời gian tới tình hình thế giới dự báo phức tạp và khó lường hơn; cạnh tranh giữa các nước lớn gay gắt hơn; xung đột ở Ukraine tiềm ẩn nguy hiểm; lãi suất cao, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa kéo dài, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ suy thoái; rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, mất an ninh năng lượng...

Theo Thủ tướng, giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho các nhà kinh tế học nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính; trong đó chỉ ra rằng khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ khủng hoảng ngân hàng, điểm cố hữu của hệ thống ngân hàng cũng có thể là nguồn gốc gây ra khủng hoảng kinh tế kéo dài và đòi hỏi cần có chính sách quản lý đặc biệt, phù hợp với tình hình.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng bày tỏ cảm ơn các ngân hàng thương mại đã luôn thể hiện trách nhiệm xã hội, có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: VGP.

Về những kết quả chủ yếu của ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, ngành ngân hàng đã điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Mặt bằng lãi suất, tỉ giá cơ bản ổn định.

"Không được hoang mang, lo sợ, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, mà luôn giữ vững bình tĩnh, bản lĩnh, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tìm ra giải pháp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh đất nước và tình hình thế giới...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo báo cáo, ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Báo cáo đến cuối tháng 9, tổng vốn tín dụng đạt 11,55 triệu tỷ đồng, tăng 10,8% so với cuối năm 2021.

Hiện NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu 2021-2025; tập trung hoàn thiện thể chế, xử lý nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống.

Hệ thống các ngân hàng thương mại không ngừng lớn mạnh cả về quy mô, chất lượng và năng lực tài chính. Tổng tài sản của các ngân hàng cổ phần đến nay đã đạt khoảng 7,5 triệu tỷ đồng; của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đạt hơn 7 triệu tỷ đồng.

Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

Thủ tướng đề nghị các NHTM tuân thủ pháp luật, tăng cường năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính, bảo đảm an toàn hoạt động. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, chất lượng tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tập trung cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị cần phát triển mạnh mạng lưới; nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng; phát triển hoạt động dịch vụ phi tín dụng; thúc đẩy tín dụng xanh, phát triển kinh tế xanh. Tiếp tục đề cao trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, vì cộng đồng. Đoàn kết, gắn bó, cạnh tranh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ảnh: VGP

Thủ tướng đánh giá ngành ngân hàng cơ bản bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế. Ảnh: VGP

Thủ tướng nhấn mạnh: Thứ nhất, Đảng, Nhà nước luôn bảo vệ, khuyến khích, hỗ trợ những doanh nghiệp tuân thủ, hoạt động theo đúng Hiến pháp và pháp luật, cạnh tranh lành mạnh, làm giàu chính đáng, minh bạch, góp phần đắc lực, hiệu quả xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc, ấm no.

Thứ hai, phải xử lý những người vi phạm Hiến pháp và pháp luật, lợi dụng chính sách để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo vệ người làm đúng, xử lý người làm sai để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh theo Hiến pháp và pháp luật.

Thứ ba, Đảng, Nhà nước luôn luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Đối với các bộ ngành liên quan, Thủ tướng yêu cầu theo dõi bám sát tình hình, phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, hiệu quả với NHNN để giải quyết các vấn đề liên quan, nhất là những đề xuất, kiến nghị của các ngân hàng thương mại tại cuộc gặp mặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm