Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi trong ngày 24-8 sẽ có cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội trong Hội đồng An ninh Quốc gia bàn phản ứng với việc Mỹ vừa tuyên bố sẽ tăng áp lực lên Pakistan, theo Reuters.
Hai ngày trước Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược mới của Mỹ với Afghanistan và Nam Á, trong có có nội dung sẽ cứng rắn hơn với Pakistan để nước này nỗ lực, hợp tác hơn nữa trong truy quét phiến quân Taliban cũng như các nhóm khủng bố. Tổng thống Trump phàn nàn Pakistan dung dưỡng Taliban đánh lại quân chính phủ Afghanistan mà Mỹ đang hỗ trợ.
Pakistan luôn bác bỏ mình chứa chấp Taliban. Đến giờ Thủ tướng Abbasi vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Tổng thống Trump. Tuy nhiên ngay sau khi ông Trump phát ngôn, Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif phản pháo Mỹ không nên dùng Pakistan làm nơi đổ lỗi cho thất bại trong cuộc chiến dài nhất lịch sử của mình.
Quyết định cuối cùng trong phản ứng với Mỹ sẽ phụ thuộc vào quân đội, vốn đã cầm quyền Pakistan gần 40 năm trong 70 năm lịch sử nước này. Quân đội có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối ngoại Pakistan, trong đó có quan hệ với Mỹ, Afghanistan, và cả với nước đối đầu Ấn Độ.
Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi. Ảnh: REUTERS
Nhiều quan chức Nhà Trắng đề nghị dọa cắt viện trợ dân sự và hỗ trợ quân sự Pakistan, đồng thời thêm một số biện pháp tăng áp lực khác để trói tay quốc gia hạt nhân Pakistan, thuận lợi kết thúc cuộc chiến 16 năm của Mỹ ở Afghanistan.
Tuy nhiên trong cuộc gặp ngày 23-8 với đại sứ Mỹ tại Pakistan David Hale, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Qamar Javed Bajwa, thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia tuyên bố điều Pakistan cần nhất ở Mỹ là lòng tin và sự thông hiểu, chứ không hẳn là tiền bạc.
Pakistan phàn nàn Mỹ thiếu tôn trọng và không đánh giá đúng mức sự hy sinh của Pakistan trong cuộc chiến chống các nhóm phiến quân và khủng bố, như Taliban, Al-Qaeda, IS.
“Chúng tôi cảm thấy chính phủ Mỹ do ông Trump lãnh đạo đã hoàn toàn thiên lệch, không công bằng với Pakistan, không ghi nhận và đánh giá cao Pakistan đóng một vai trò chủ chốt trong chiến dịch chống khủng bố” – Nghị sĩ Mushahid Hussain, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Thượng viện nói với Reuters ngày 24-8.
Pakistan ước tính nước này đã phải chịu tổn thất 70.000 mạng người trong các vụ tấn công của phiến quân, khủng bố kể từ khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố Mỹ phát động sau sự kiện 11-9-2001.
Tổng Tham mưu trưởng quân đội Pakistan Qamar Javed Bajwa (cầm gậy). Ảnh: DNA
Pakistan cũng tức giận việc ông Trump chìa tay với Ấn Độ - nước đối đầu với mình, khi đề nghị Ấn Độ tham gia nhiều hơn trong tái thiết Afghanistan. Pakistan cảnh cáo việc Ấn Độ tham gia nhiều hơn vào Afghanistan đe dọa đến hòa bình khu vực.
Tuy nhiên theo Reuters, lý do phản đối thật sự của Pakistan là một khi Ấn Độ có ảnh hưởng nhiều hơn với Afghanistan, Pakistan có nguy cơ bị kẹt ở giữa.
Theo nghị sĩ Hussain Mỹ phải thận trọng khi quyết định tăng áp lực lên Pakistan. Theo ông, “Nhiều thứ đã thay đổi kể từ ngày 11-9. Ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực đã bị thu nhỏ, và chúng tôi có nhiều lựa chọn chiến lược hơn trong chính sách đối ngoại của mình”.
Nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo tăng áp lực lên Pakistan có rủi ro đẩy Pakistan tiến gần hơn với Trung Quốc. Những năm gần đây quan hệ hai nước trải qua nhiều thời điểm cực kỳ căng thẳng, đặc biệt sau khi Mỹ bí mật bố ráp tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden ở Pakistan năm 2011.Trong khi đó nước láng giềng Trung Quốc đang nỗ lực tranh thủ quốc gia hạt nhân này. Trung Quốc đang đầu tư gần 60 tỉ USD vào các dự án hạ tầng ở Pakistan nằm trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Bản thân Trung Quốc cũng nhận ra rạn nứt giữa Mỹ và Pakistan. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì từng nói với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson rằng Mỹ phải trân trọng vai trò của Pakistan trong cuộc chiến tại Afghanistan, tôn trọng các lo ngại an ninh của Pakistan.