Ngày 20-11, tại Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị và xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận hội nghị. Ảnh: VTT |
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với báo cáo của Bộ KHĐT, ý kiến của các địa phương, bộ, ngành và các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng cho rằng, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, là vùng “phên dậu phía Tây của Tổ quốc”; nằm ở ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia, tiếp giáp các vùng Duyên hải Trung Bộ, Đông Nam Bộ; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Trong đó, Tây Nguyên là khu vực đất rộng người thưa, gồm 5 tỉnh; dân số gần 6 triệu người (6,1% dân số cả nước); có 54/54 dân tộc cùng sinh sống; với diện tích tự nhiên hơn 54,5 nghìn km2 (chiếm 16,5% cả nước).
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VTT |
Bên cạnh đó, Tây Nguyên có hệ thống giao thông liên vùng tương đối phát triển, nối liền với duyên hải miền Trung, vùng Đông Nam Bộ và thông thương với Lào, Campuchia và có hệ thống cảng hàng không khá đầy đủ (Liên Khương, Pleiku, Buôn Ma Thuột…).
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, vùng đất này có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản: đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, thuận lợi cho cây công nghiệp, cây ăn quả, cây dược liệu, rau, hoa và có tài nguyên rừng phong phú, đa dạng sinh học cao.
Theo đánh giá của Thủ tướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng Tây Nguyên khá nhanh, bình quân giai đoạn 2002-2020 là 7,98%, cao nhất trong 6 vùng của cả nước. Công nghiệp phát triển mạnh; tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân giai đoạn 2022-2020 đạt 12,8%/năm, cao nhất trong 6 vùng. Tây Nguyên còn có lợi thế về du lịch và đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn lớn.
|
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VTT |
Bên cạnh đó, Tây Nguyên còn có một lợi thế khác chính là giá trị văn hóa của các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy, nhiều di tích văn hóa lịch sử được tu bổ, tôn tạo. Chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt, khơi dậy và nâng cao ý thức đoàn kết, tính tự lực trong việc phát triển sản xuất, giảm nghèo.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính, vùng Tây Nguyên còn có một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, phát triển kinh tế chưa ổn định, bền vững; Quy mô GRDP, năng suất lao động thấp nhất trong 6 vùng của cả nước. Cơ cấu nội ngành và giữa các ngành chuyển dịch chậm. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo chưa được chú trọng đúng mức.
Tăng trưởng nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào mở rộng quy mô. Công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tiềm năng. Quy mô khu vực dịch vụ còn khiêm tốn, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao.
Các địa phương trong vùng đều chưa tự cân đối được ngân sách. Huy động vốn đầu tư chưa hiệu quả, nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Ngoài ra, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới còn thấp (xếp thứ 5/6 vùng). Tình hình an ninh, trật tự còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Công tác đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới chưa hoàn thành.
|
Tây Nguyên có nhiều lợi thế để phát triển xanh - hài hòa- bền vững. Ảnh: VTT |
Để khắc phục những hạn chế, giúp Tây Nguyên phát triển xứng tầm với những lợi thế sẵn có, Thủ tướng chỉ đạo, vùng Tây Nguyên cần phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài.
Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Bên cạnh đó, cần thiết phải xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong phát triển vùng Tây Nguyên
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 7 - 7,5%; Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD. (2) Tỉ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2 - 40,7%; tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%. (3) Tốc độ tăng NSLĐ xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%. (4) Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25 - 30%; (5) Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,0 - 1,5%/năm. Tỉ lệ che phủ rừng đạt trên 47%...