Tính đến sáng 14-9, Việt Nam trải qua 12 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng. Các địa phương có ca nhiễm cũng đã cơ bản trở lại trạng thái bình thường.
Mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội
Kết luận cuộc họp mới nhất của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tùy diễn biến dịch, chủ tịch UBND các tỉnh, TP quyết định mức nguy cơ và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16 và 19 về phòng, chống dịch.
Đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, yêu cầu tất yếu là mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trước mắt và dễ thấy nhất, đó là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích cho quốc gia, cùng với đó là những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Tuy nhiên, việc mở cửa lại này, ngay cả trong “trạng thái bình thường mới”, cũng tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, khi dịch COVID-19 trên thế giới còn hết sức phức tạp.
Thời gian qua, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi; công tác bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng nhưng do tác động của dịch chúng ta vẫn tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro, thách thức đối với phát triển kinh tế. Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, tác động của đợt bùng phát lần hai của dịch đã vượt quá khả năng chịu đựng của một số ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp.
Đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, yêu cầu của Thủ tướng là cần cố gắng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhất, tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế bốn tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021 mà theo dự kiến sơ bộ có thể ở mức khoảng 6%-6,5%.
Công nhân làm việc tại một nhà máy ở quận Tân Bình, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
TP.HCM: Không để làn sóng dịch COVID-19 thứ ba xuất hiện
Chiều 14-9, phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết qua hai làn sóng dịch bệnh, toàn TP đã có 78 ca mắc COVID-19 (trong đó có một ca từ BV Bạc Liêu chuyển đến).
Ông Liêm khẳng định đến nay TP.HCM đã trải qua 47 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. “Số ca mắc COVID-19 đã giảm dần qua hai làn sóng dịch bệnh, toàn bộ ca bệnh của TP đến nay đã được điều trị khỏi” - ông Liêm nói và cho biết so với làn sóng lây nhiễm COVID-19 đầu tiên thì đến làn sóng thứ hai giảm 30%, tức là 62 người mắc so với 16 người mắc đợt hai.
Mặc dù vậy, ông Lê Thanh Liêm cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng, chống dịch, không để làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba xuất hiện. Để làm được điều đó, ông Liêm yêu cầu các sở, ngành cần nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí an toàn dịch bệnh trong tình hình hiện tại.
Trước đó, báo cáo tại buổi họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết hiện trên địa bàn còn 810 trường hợp đang cách ly tập trung, trong đó có 505 chuyên gia nước ngoài cách ly tại các khách sạn, số còn lại ở các khu cách ly tập trung của TP và quận, huyện.
Theo ông Bỉnh, TP đã chốt danh sách 18 khách sạn sẽ được sử dụng làm cơ sở cách ly trả phí. 18 khách sạn này đã được Sở Y tế cùng Sở Du lịch thẩm định, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu cho công tác cách ly, ngăn ngừa lây lan dịch COVID-19.
Cần giữ suy nghĩ nguy cơ bùng phát dịch luôn tiềm ẩn TP.HCM tiếp tục quán triệt sâu sắc mục tiêu kép, phát triển kinh tế đi kèm với phòng, chống dịch bệnh quyết liệt. Chúng ta cần giữ suy nghĩ nguy cơ bùng phát dịch luôn tiềm ẩn và có khả năng bùng phát. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mở các đường bay quốc tế, khả năng xuất hiện ca mắc còn tăng. Ông LÊ THANH LIÊM, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM |
Đà Nẵng: Gỡ bỏ các chốt kiểm soát y tế
Cùng ngày, Đại tá Trần Đình Chung, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đã ký công văn hỏa tốc gửi đến Phòng CSGT, cảnh sát cơ động, hậu cần và công an các quận, huyện về việc ngừng thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế ở các cửa ngõ ra vào TP. Chỉ đạo này nhằm thực hiện theo công văn khác của UBND TP Đà Nẵng về công tác chống dịch COVID-19.
Theo công văn này, Phòng hậu cần phối hợp với công an các quận, huyện thu gom các trang thiết bị, phương tiện và dọn dẹp vệ sinh tại các chốt kiểm dịch y tế. Thông báo chi nhánh điện lực địa phương ngừng cung cấp điện tại các chốt kiểm soát dịch bệnh ở các cửa ngõ ra vào TP.
Tình hình dịch ở Đà Nẵng đã được kiểm soát tốt, không còn lây lan trong cộng đồng, các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Việc gỡ bỏ các chốt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phát triển kinh tế. Các đơn vị trực tại các chốt về thực hiện nhiệm vụ thường ngày tại đơn vị mình.
Bên cạnh đó, công an các đơn vị phải tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, phối hợp với lực lượng ở cơ sở quản lý chặt chẽ tất cả người nước ngoài, công dân Việt Nam đang lưu trú trên địa bàn, kịp thời phát hiện và phối hợp với lực lượng y tế cách ly đối với những người đến từ vùng dịch.
TP.HCM: Tám bệnh viện đạt mức an toàn thấp chống COVID-19 Chiều 14-9, Sở Y tế TP.HCM cho biết tính đến hôm nay, nơi đây đã kiểm tra và đánh giá 53 bệnh viện (BV) an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, chín BV phải kiểm tra và đánh giá lại lần hai sau khi đã triển khai khắc phục một số tiêu chí không đạt trong lần đánh giá thứ nhất theo hướng dẫn của đoàn kiểm tra. Kết quả, tám BV đạt mức an toàn thấp và 45 BV đạt mức an toàn. Trong thời gian tới, Sở Y tế TP.HCM tiếp tục kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các BV còn lại trên địa bàn và công khai kết quả kiểm tra. TRẦN NGỌC |