Thủ tướng: Sử dụng biện pháp mạnh tấn công dịch COVID-19

Ngày 5-5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4. Ảnh: VGP

Không chủ quan trước nguy cơ bùng phát dịch

Tại phiên họp, công tác phòng chống dịch COVID-19  nội dung đầu tiên được Chính phủ ưu tiên xem xét. Đánh giá cao, cơ bản đồng tình đối với báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính thống nhất với nhận định chúng ta cơ bản kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh là rất cao, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Theo kinh nghiệm từ các đợt lây nhiễm trước, dịch bệnh lần sau khó khăn, phức tạp, diễn biến khó lường hơn lần trước, hậu quả nặng nề hơn, cách xử lý khó khăn hơn, tác động xấu hơn. Thủ tướng lưu ý hiện nay số ca nhiễm mới, ca tử vong trên bản đồ dịch bệnh thế giới tiếp tục tăng; việc nhập cảnh, cư trú trái phép có xu hướng tăng lên trong thời gian qua. Cùng với đó là xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, người dân; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly (khi về địa phương) còn bất cập; biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, Thủ tướng nêu rõ chúng ta phải có cách tiếp cận mới, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo mới, tạo cơ sở cho tổ chức thực hiện. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần: “Chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công”.

 

Đảm bảo an toàn mọi mặt cho bầu cử

Đề cập đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải đảm bảo an toàn về mọi mặt, thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời phải chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín làm đại biểu của nhân dân.

Không chủ quan, hoang mang, nắm vững công nghệ chống dịch

Thủ tướng cho rằng phải chống hai khuynh hướng, một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động hoặc cực đoan. Vì vậy phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn.

Đẩy mạnh sử dụng công nghệ tiên tiến, các biện pháp mạnh; nhập vaccine và tiêm vaccine trên diện rộng, trong đó ưu tiên các đối tượng tuyến đầu, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm (như có nguy cơ, nguy cơ cao, thấp…) trong cộng đồng, đề xuất, hướng dẫn các giải pháp cụ thể và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra. Từ đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình cụ thể, từ các tiêu chuẩn, tiêu chí của Bộ Y tế, chủ động quyết định các biện pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo phải tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch, song phải làm việc trên tinh thần “đúng vai, thuộc bài” và “Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã”. Cạnh đó phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong quản lý, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch.•

 

Giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể

Về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chương trình này rất quan trọng. Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện.

Chương trình hành động phải linh hoạt, khả thi, thiết thực, hiệu quả, phải dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, với tinh thần “càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số”.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý những nội dung trọng tâm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là tăng cường quản lý nhà nước, tập trung vào xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát.

Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2016-2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ quan trọng nhất là chỉ ra việc làm được, chưa được và nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan; có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài lâu năm.

“Nguồn lực có ít, thời gian có hạn, năng lực hạn chế, yêu cầu thì cao đòi hỏi chúng ta phải cân đối hài hòa, hợp lý” - Thủ tướng phát biểu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm