Sáng 18-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đăng đàn phiên chất vấn để trả lời 24 câu hỏi của 18 đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) hỏi trực tiếp trong hơn hai ngày qua. Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến các vấn đề liên quan đến chủ quyền.
Hợp tác, đấu tranh và tự cường
Trước đó, các ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) và Lê Nam (Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi với Thủ tướng liên quan đến biển Đông, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trong quan hệ Việt-Trung. Đây là chủ đề chất vấn duy nhất được Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lựa chọn trả lời trực tiếp trước QH.
Thủ tướng nhấn mạnh: Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã nhiều lần trình bày với QH. Lập trường, quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước là rõ ràng, nhất quán và sẽ tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện. Ông nói: “Chúng ta chân thành, làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả lĩnh vực, đồng thời chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ lợi ích quốc gia theo đúng chủ trương nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của nhà nước, cũng như Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế nhất là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hiệp Quốc, các cam kết khu vực, nhất là DOC đó là tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về ứng xử của các bên liên quan trên biển Đông”.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cũng phải tự cường, tự phát huy nội lực của mình: “Đồng thời với phát triển kinh tế-xã hội, chúng ta phải tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta, gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc mình”.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chất vấn. Ảnh: QH
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn. Ảnh: QH
Người lao động được tự chọn “công đoàn”
Liên quan đến chất vấn của các ĐB về vấn đề lao động trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thủ tướng khẳng định: “Người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa dịch vụ trong thương mại quốc tế, nên trước hết họ phải được hưởng thành quả của quá trình này”. Hiệp định TPP có quy định nội dung về lao động nhưng không đưa ra tiêu chuẩn riêng mà chỉ áp dụng theo các tiêu chuẩn đã được nêu trong tuyên bố năm 1998 về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thể hiện trong tám công ước cơ bản. Hiện Việt Nam đã phê chuẩn 5/8 công ước cơ bản này. Sắp tới Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan.
Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo Hiệp định TPP, Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam và tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở doanh nghiệp. Tổ chức của người lao động sau khi thành lập có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động. Và chỉ được hoạt động sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy định pháp luật”. Hiệp định TPP cũng như ILO đều khẳng định tất cả tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại và theo các tiêu chuẩn của ILO. “Các tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động nào ngoài tôn chỉ mục đích, điều lệ hoạt động đã được đăng ký” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định: “Như vậy, việc thực hiện các cam kết về lao động trong Hiệp định TPP cũng chính là việc tiếp tục thực hiện các quy định của tổ chức lao động quốc tế ILO mà Việt Nam là thành viên, không ảnh hưởng, không làm hạn chế địa vị pháp lý, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.
Kinh tế thị trường: Dân giàu, nước mạnh
Liên quan đến chất vấn của các ĐBQH đề nghị Thủ tướng nói rõ “nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và những giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện”, Thủ tướng khẳng định: “Nhà nước tập trung tạo dựng môi trường và điều kiện thuận lợi cho nhân dân, cho người dân, doanh nghiệp được tự do sáng tạo trong đầu tư kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong kinh tế thị trường. Đồng thời phát huy cao nhất quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ và sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động tối đa các nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”. Thủ tướng cũng nêu các điểm thuộc nội hàm của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nền tảng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ, quyền con người, quyền công dân, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc làm mục tiêu cao nhất, phân định rõ chức năng của nhà nước và chức năng của thị trường.
Thủ tướng cho biết để thực hiện các nội dung trên, hiện Chính phủ đã và đang triển khai thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện thể chế luật pháp, cơ chế; phát triển đồng bộ hiệu quả các loại thị trường, chủ động mở cửa thị trường; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, ổn định kinh tế vĩ mô…
Thời gian chất vấn quá ngắn Đó là sự “nuối tiếc” của ĐB Nguyễn Anh Sơn, tỉnh Nam Định (ảnh). Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông nói: Lần đầu tiên, trong một phiên chất vấn của QH đã có chủ tịch QH, Thủ tướng, tất cả phó thủ tướng và 16 bộ trưởng đăng đàn trả lời các vấn đề ĐB đặt ra. Trong đó một bộ trưởng trả lời bốn lần, hai trả lời ba lần, sáu trả lời hai lần, còn lại mỗi người chỉ một lần. Thời gian lại ngắn thế thì ĐB không hỏi tới được. Trong điều hành, chủ tọa đã cố gắng điều chỉnh nhưng tôi cho là không kịp thời. Nếu tách hẳn 30 phút đầu tiên cho thảo luận về kết quả thực hiện chất vấn của QH từ đầu nhiệm kỳ, phần còn lại chỉ hỏi ngắn, trả lời ngắn, trực tiếp thì chắc sẽ tốt hơn. Chứ cứ lẫn lộn cả thảo luận, cả hỏi thì khó mà hay, mà sâu được. Thế thì thành diễn thuyết rồi. . Phóng viên: Những điều chỉnh, đổi mới trong kỳ chất vấn này được nói là để ĐBQH theo đuổi tới cùng những vấn đề đã được nêu từ đầu nhiệm kỳ tới nay. Ông có thấy đạt được không? + Ông Nguyễn Anh Sơn: Nếu gọi là đến cùng theo nghĩa đeo đuổi từ đầu tới cuối nhiệm kỳ thì vẫn có những việc nói ra được. Như tôi, từ kỳ họp thứ 2 của QH đã phát biểu, chất vấn về biển Đông, về chủ quyền biển, đảo và đến giờ tôi vẫn tiếp tục đeo đuổi. Có ĐB khi đăng ký là đoán ngay họ sẽ xoáy vào chuyện gì. Nhưng trả lời đã làm hài lòng ĐB cũng như cử tri chưa thì tôi nghĩ không nhiều lắm. Nhất là những vấn đề đã đặt ra suốt thời gian dài và sẽ còn tác động tới sự phát triển của đất nước, tới chủ quyền quốc gia... thì khó có thể tìm được câu trả lời trọn vẹn. Nhưng so với QH các khóa trước thì thấy các bộ, ngành đã quyết liệt hơn, trách nhiệm hơn. Nhiều bộ trưởng đã thể hiện sự nỗ lực giải quyết những vấn đề mà cử tri, ĐBQH nêu ra. . Có những câu hỏi mang tính tổng hợp khá cao, như về thất thoát, lãng phí trong sử dụng các nguồn lực xã hội. Lẽ ra Thủ tướng trả lời sẽ hợp hơn là để cho bộ trưởng KH&ĐT? + Như Bộ trưởng Vinh nói thì ông được Thủ tướng phân công trả lời. Tôi nghĩ cũng được, vì ông Vinh là trưởng ngành kinh tế tổng hợp, nắm rất chắc tình hình. Và phần trả lời của ông Vinh cũng đã khá thấu đáo dù đó là câu hỏi khó. Một số chất vấn gửi tới Thủ tướng đã được ông phân cho các bộ trưởng trả lời. Có thể hiểu trả lời của bộ trưởng là theo ủy quyền của Thủ tướng, là của Thủ tướng. . Xin cám ơn ông. Năm 2016: 15.000 tỉ đồng hỗ trợ hộ nghèo Trả lời chất vấn của các ĐB về việc giảm nghèo, Thủ tướng cho biết những năm qua Việt Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 14,2% năm 2011 xuống còn dưới 4,5% năm 2015. Trong 20 năm qua, khoảng 30 triệu người thoát nghèo. Đây là một thành tựu nổi bật được toàn xã hội và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Nếu tính theo chuẩn nghèo đa chiều (gồm các tiêu chí thu nhập và các tiêu chí về tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản: Y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin, nước sạch và vệ sinh nông thôn) thì tỉ lệ hộ nghèo hiện nay là 12%, cận nghèo khoảng 6% và trong năm 2016 nước ta sẽ phải dùng thêm 15.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hộ trên so với năm 2015. |