Ngày 15-1, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Liên bang Nga.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin, đại diện bộ ban ngành hai nước và hơn 100 tập đoàn, doanh nghiệp Nga và Việt Nam đã tham dự sự kiện.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc lại lịch sử quan hệ lâu đời, vĩ đại, thân thiết và khăng khít giữa Việt Nam và Liên bang Nga (Liên bang Xô Viết trước đây). Thủ tướng khẳng định Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa vô tư trong sáng của Liên bang Xô viết trước đây và Liên bang Nga hiện nay.
Qua 75 năm quan hệ ngoại giao, Việt Nam nhận được sự giúp đỡ rất quý báu của nhân dân Liên bang Xô viết trước đây và Liên bang Nga sau này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ hợp tác kinh tế còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, chưa tương xứng với quan hệ chính trị, quan hệ ngoại giao của hai nước, đặc biệt với tình cảm giữa hai dân tộc chúng ta, giữa người Việt Nam và người Nga. "Hai nước chưa khai thác được hết lợi thế cạnh tranh của mỗi bên để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của hai bên”- Thủ tướng nói.
Tìm hướng để thương mại Việt Nam – Nga tăng trưởng
Đối thoại doanh nghiệp cấp cao Việt Nam – Liên bang Nga hôm nay tập trung vào ba lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, vận tải, đó là ba lĩnh vực mà phía Nga có thế mạnh và phía Việt Nam cũng đang muốn đẩy mạnh phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời nói đến mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng lên mức 10 - 15 tỉ USD trong năm nay (hiện đang là 5 tỉ USD), để làm được việc đó, có rất nhiều mục tiêu trước mắt cần phải giải quyết.
Thủ tướng bày tỏ muốn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp hai nước, những người trực tiếp phát triển quan hệ kinh tế, thúc đẩy giao lưu giữa hai dân tộc; trao đổi về những vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, tìm phương án, giải pháp để kết nối doanh nghiệp.
Đồng thời tìm cách kết nối hai nền kinh tế sâu sắc, bao trùm và hiệu quả hơn, quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển bền chặt, hiệu quả, sâu sắc, góp phần thúc đẩy quan hệ chính trị, ngoại giao và ngược lại, quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp là tiền đề, cơ sở để quan hệ kinh tế tốt hơn, hiệu quả hơn.
Cho biết Việt Nam có thế mạnh về thị trường với 17 FTA đã ký kết với 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hai bên phát huy tinh thần năng động, chủ động, sáng tạo để tháo gỡ các vướng mắc, Chính phủ cũng sẽ tạo thuận lợi cho hợp tác giữa các doanh nghiệp để cụ thể hóa, thực hiện các thỏa thuận cấp cao.
Đại diện cho phía cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bà Thái Hương, nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho biết TH hiện là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam tại Nga trong lĩnh vực nông nghiệp, vì đạo lý rất tự nhiên bởi nước Nga đã không tiếc sức người sức của, sát cánh, giúp đỡ chí tình trong công cuộc giải phóng dân tộc của Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết doanh nghiệp đầu tư sang Nga không chỉ là quyết định vì tình nghĩa, mà đó cũng là quyết định nắm bắt "điểm vàng" trong kinh doanh, bởi các chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp của nước Nga rất minh bạch và hấp dẫn, thống nhất từ Trung ương tới địa phương, khích lệ được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Ví dụ như TH đang nhận được các hỗ trợ như hoàn 30% tổng giá trị đầu tư, hỗ trợ 3/4 lãi suất…
Tại sự kiện, Tổng giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Nga – bà Veronika Nikishina thể hiện mong muốn có thể thâm nhập sâu hơn nữa vào thị trường Việt Nam, đưa ô tô Nga vào thị trường xe ô tô công nghệ tại Việt Nam, phát triển thương mại điện tử giữa hai nước, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Nga sang Việt Nam.
Phản hồi bà Veronica Nikishima, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho đại diện của Hà Nội và TP.HCM kết nối với trung tâm, ngoài ra giao nhiệm vụ cho Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với phía Nga những gì thị trường Việt Nam đang cần.
Cũng theo Thủ tướng, phía doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ví như dệt may, da giày, đồ gỗ. Nga là nguồn cung cấp nguyên liệu còn Việt Nam rất giỏi khâu sản xuất sản phẩm.
Bài toán logistics trong quan hệ thương mại Việt Nam – Liên bang Nga
Chi phí vận tải hàng hóa là một điều mà các doanh nghiệp Việt Nam và Nga rất quan tâm.
Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, một điểm nghẽn quan trọng ngăn cản thương mại Việt Nam – Nga phát triển chính là chi phí vận tải nội địa của Nga hiện vẫn rất cao, dẫn đến chi phí để đưa được hàng Nga về Việt Nam rất cao, gây khó cho thương mại.
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng nói đến việc chi phí vận tải cao đang cản trở phát triển của thương mại Việt Nam – Liên bang Nga. Theo vị đại diện này, trước đây, thời gian vận tải hàng hóa từ Việt Nam sang Nga mất khoảng 25 ngày, nhưng đến giờ đã tăng lên đến 35 ngày, có khi lên đến 60 ngày.
Lý do đằng sau thực trạng này là bởi thủ tục thông quan tại Kazhastan rất lâu, hàng hóa cũng hay ách tắc tại cửa khẩu Trung Quốc và Nga. Đại diện này đề nghị phía Nga và Trung Quốc đẩy nhanh thông quan hàng hóa, phía Nga tăng cường các đầu máy để tiếp nhận hàng hóa.
Phản hồi các doanh nghiệp Việt Nam, Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin cho biết phía Nga cũng rất quan tâm đến chi phí logistics. Hiện tại Nga đang phát triển các kênh giao thông mới, tăng mạnh công suất tại cảng Thái Bình Dương lên hơn 115 triệu tấn, đồng thời phát triển tuyến vận chuyển giao thông hàng hóa qua Trung Quốc.
Thủ tướng Nga cũng cho rằng Việt Nam nên đẩy mạnh hơn nữa việc số hóa quy trình thông quan hàng hóa, đẩy mạnh phát triển công nghệ số, công nghệ tự động hóa trong thông quan, đóng nhiều tàu có trọng tải vận chuyển hàng hóa lớn.
Với vấn đề cải thiện hoạt động vận tải, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao nhiệm vụ cho một số bộ ban ngành liên quan giải quyết vấn đề mà doanh nghiệp nói đến.
Cũng trong hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng thời đề nghị phía Nga hỗ trợ Việt Nam phát triển khoa học hạt nhân, tập trung vào một số nội dung bao gồm: đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, ưu đãi về tài chính, chuyển giao kinh nghiệm quản trị về hạt nhân, an toàn hạt nhân và cuối cùng là tuyên truyền về năng lượng hạt nhân phục vụ cho mục đích hòa bình.