Ngày 16-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Trung ương đã tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận (1-4-1992 – 1-4-2022), 47 năm giải phóng tỉnh Ninh Thuận (16-4-1975 – 16-4-2022), giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2022) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến hấp dẫn
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệt liệt chúc mừng, đồng thời biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Thuận đạt được trong suốt chặng đường 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Thủ tướng nhấn mạnh với những tiềm năng, lợi thế khác biệt, độc đáo từ thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương và trên nền tảng chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước ổn định, thuận lợi, hội nhập quốc tế sâu rộng, Ninh Thuận đang đứng trước những cơ hội phát triển mới, đầy triển vọng.
Để hiện thực hóa khát vọng phát triển trở thành một tỉnh giàu mạnh, Ninh Thuận vẫn còn nhiều việc phải làm về cơ sở hạ tầng, cơ cấu kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, dịch vụ, du lịch...
Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Thuận cần nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, chung sức, đồng lòng, không ngừng đổi mới, dám nghĩ, dám làm, phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đã đạt được; chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất của mình, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu của năm 2022 và những năm tiếp theo.
Sáu vấn đề cần thực hiện để thúc đẩy tỉnh phát triển
Thủ tướng cho rằng Ninh Thuận đang đứng trước thời cơ phát triển mới đầy triển vọng. Đề hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh giàu, mạnh, Ninh Thuận cần lưu ý sáu vấn đề sau đây.
Một là, tiếp tục giữ gìn, củng cố và vun đắp cho sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Thuận. Coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.
Quán triệt nghiêm túc, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; Kế hoạch năm năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Thủ tướng trao bằng khen cho tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Hai là, hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với tăng cường năng lực và phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp, tận tụy, đam mê, trách nhiệm, vì nhân dân phục vụ.
Phát huy tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Ba là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo đảm an sinh xã hội; hoàn thành sớm việc tiêm vaccine mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên; quyết tâm hoàn thành việc tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II-2022 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Bốn là, đa dạng hóa, huy động tối đa, hiệu quả các nguồn lực xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh, quyết liệt hơn nữa trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, hạ tầng về y tế, văn hóa, giáo dục, giao thông, hạ tầng thích ứng biến đổi khí hậu, hạ tầng số... Khuyến khích thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trên cơ sở bảo đảm hiệu quả đầu tư, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Đặc biệt chú trọng, hoàn thành các quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, ổn định lâu dài, bảo đảm tiến độ và chất lượng; thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ; tạo động lực phát triển mới.
Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới. Phát triển công nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch và đô thị. Phát huy lợi thế, đưa Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo lớn của cả nước.
Rà soát, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mạnh dạn cắt bỏ những dự án chưa cần thiết, tránh dàn trải, chia cắt, manh mún gây kéo dài, lãng phí... Đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo, các dự án Cảng biển tổng hợp, Tổ hợp điện khí và Khu công nghiệp Cà Ná.
Đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng và trên cả nước, tập trung ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, mang tính kết nối cao với các tỉnh trong khu vực...
Năm là, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, các giá trị văn hóa, đạo đức và môi trường sinh thái để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Giữ gìn và phát triển, phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc trong tỉnh... Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển.
Không ngừng chăm lo phát triển y tế, giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt chính sách người có công, gia đình chính sách, người yếu thế, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường, bảo đảm người dân được sống trong môi trường trong lành, an toàn.
Sáu là, tăng cường bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình, kịp thời giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân từ cơ sở. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực phát triển. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất.
“Các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tập đoàn, doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để tỉnh Ninh Thuận hiện thực hóa mục tiêu “Xây dựng Ninh Thuận thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai” mà Nghị quyết XII của Đảng bộ Tỉnh đã đề ra; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”- Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị.
Trong dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ Tịch nước trao tặng tỉnh Ninh Thuận.
30 năm chuyển mình thành trung tâm năng lượng sạch
Cũng tại buổi lễ đã giới thiệu lại quá trình 30 năm từ những ngày đầu tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc và có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Những ngày đầu tái lập tỉnh, vùng đất nắng gió Ninh Thuận với cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nghèo nàn, lạc hậu, đời sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Hạ tầng nông nghiệp lạc hậu, là tâm điểm của khô hạn. Được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Trung ương, cùng với sự quyết tâm, tâm huyết, của Đảng bộ, nhân dân, tỉnh đã có những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực đời sống xã hội tạo nên một Ninh Thuận có được vị thế như ngày hôm nay.
30 năm qua, từ tỉnh có xuất phát điểm phát triển kinh tế - xã hội thấp, đến nay nền kinh tế có sự thay đổi mạnh mẽ, sự tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng gần 70 lần so với năm 1992, tăng bình quân gần 8,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước sau 30 năm đổi mới. Từ một tỉnh nghèo có thu nhập thấp đã vươn lên trở thành tỉnh có thu nhập trung bình.
Nền kinh tế phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, nhờ vào sự kiên trì, sáng tạo, quyết tâm để biến cái bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Nhất là với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá.
Trong ba năm gần đây, dù đối diện với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh luôn thuộc nhóm đứng đầu cả nước. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt trên 68 triệu đồng/người, gấp 50 lần so với năm 1992, dần rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước.
Các khâu đột phá về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch từng bước được phát huy. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, đạt hơn 4.000 tỉ đồng vào năm 2021, bình quân tăng trên 18%/năm. Tổng mức đầu tư toàn xã hội gần 30.000 tỉ đồng năm 2021, bình quân tăng 23%/ năm.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận, cho biết những kết quả đạt được hết sức ấn tượng, thể hiện khát vọng vươn lên trên mỗi chặng đường phát triển, cùng với tư duy “nghĩ lớn hơn, nhìn xa hơn, rộng hơn” đã góp phần quan trọng đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận nhấn mạnh bước vào chặng đường mới, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Ninh Thuận triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh phải quyết tâm chính trị, nỗ lực cao hơn nữa, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để thực hiện thắng lợi mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.