Sáng 16-4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham sự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1-4-1992 – 1-4-2022), 47 năm ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4-1975 – 16-4-2022) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2022).
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn công tác Trung ương dự Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Cùng tham dự có Đoàn công tác Trung ương, lãnh đạo một số tỉnh, thành và các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, các nguyên lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận.
Ngày 26-12-1991, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII đã quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.
Ngày 1-4-1992, tỉnh Ninh Thuận được tái lập và đi vào hoạt động với một thị xã và ba huyện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ Tịch nước cho tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Từ một tỉnh nông nghiệp, hạ tầng kinh tế xã hội nghèo nàn, lạc hậu, sau 30 năm, Ninh Thuận đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) năm 2021 tăng gần 70 lần so với năm 1992, tăng bình quân gần 8,2%/năm.
Nền kinh tế phát triển toàn diện theo hướng nhanh và bền vững, nhờ vào sự kiên trì, sáng tạo, quyết tâm để biến cái bất lợi thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển, nhất là với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo là đột phá.
Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người (GRDP) đạt trên 68 triệu đồng/người, gấp 50 lần so với năm 1992, dần rút ngắn nhanh khoảng cách chênh lệch so với cả nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn duy trì ở mức tăng cao, từ hơn 30 tỉ đồng năm 1992 lên hơn 4.000 tỉ đồng vào năm 2021, bình quân tăng trên 18%/năm.
Thủ tướng trao bằng khen cho tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: HUỲNH HẢI |
Nông, lâm nghiệp và thủy sản xuất phát điểm thuộc nhóm thấp nhất cả nước cả về quy mô và trình độ phát triển, là tâm điểm khô hạn nhất cả nước. Tuy nhiên đến nay ngành nông nghiệp tăng trưởng khá nhanh, bình quân đạt gần 7%/năm; kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh
Những cánh đồng khô hạn nay đã được canh tác các cây trồng đặc thù của tỉnh như nho, táo, tỏi, măng tây, nha đam... với thu nhập bình quân trên 130 triệu đồng/năm/ha. Ninh Thuận cũng đã phát huy lợi thế để trở thành trung tâm sản xuất tôm giống của cả nước.
Chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước để khai thác tiềm năng, thế mạnh về năng lượng tái tạo đã phát huy hiệu quả. Đến cuối năm 2021 trên địa bàn đã có 49 dự án năng lượng với tổng công suất hơn 3.000 MW hòa lưới điện quốc gia.
Kinh tế biển được tập trung đầu tư để trở thành động lực phát triển của tỉnh. Qua đó thu hút đầu tư nhiều dự án động lực quan trọng về năng lượng tái tạo, du lịch, kinh tế biển như Cảng tổng hợp Cà Ná, Trung tâm điện lực LNG Cà Ná, Khu công nghiệp Cà Ná.
Các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai và tiếp tục nghiên cứu điện gió ngoài khơi..., từng bước hình thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh, hướng đến mục tiêu thành lập Khu kinh tế ven biển của cả nước.
Ninh Thuận phát triển vượt bậc sau 30 năm tái lập tỉnh. Ảnh: HỮU PHƯƠNG |
Du lịch của tỉnh có bước phát triển rõ nét, hướng tới trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Những địa danh Cà Ná, Mũi Dinh, Bình Sơn, Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ... đang là điểm đến thân quen, tin cậy. Những nét đặc thù về thiên nhiên hoang sơ, những tiểu sa mạc khô hạn, những nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Chăm, Raglai... được khai thác, phát huy; thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến Ninh Thuận.
Dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Thuận.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương cho tỉnh vì đã có thành tích xuất sắc trong phát triển năng lượng tái tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.