Thừa phát lại: Trăm chuyện vui buồn từ tống đạt

Đi tống đạt giấy tờ, thừa phát lại bị đương sự xua đuổi, mắng chửi là chuyện thường xuyên. Có khi đương sự còn kiếm cớ để không nhận văn bản một cách rất lãng xẹt kiểu như “Giấy này ghi chữ xấu hoắc, tôi không nhận”…

Một tháng nay, năm văn phòng thừa phát lại (TPL) ở TP.HCM đã bắt đầu thực hiện tống đạt văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án. Một ngày theo chân các thư ký nghiệp vụ của Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, chúng tôi mới thấm thía nỗi gian nan của công việc tưởng chừng đơn giản này.

Không ký, cũng không cho dán

Phải mất mấy lần dừng lại hỏi đường, chúng tôi mới lần vô được một con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh để tìm nhà bà NAT, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong một vụ tranh chấp suất tái định cư. Vừa thấy tờ giấy triệu tập đương sự, bà T. xua tay: “Tui rảnh đâu mà tòa cho trát gọi hoài. Suất tái định cư đó tui bán cho người khác lâu rồi, họ còn sang tay qua mấy đời chủ, bây giờ tui đâu liên quan gì”. Thuyết phục một hồi, bà T. cũng chịu nhận giấy triệu tập nhưng khi bà còn chưa kịp ký nhận thì mẹ bà đã chạy ra mắng: “Sao mà dại quá vậy con, mày mà ký mai mốt tòa kéo mày dính vô chuyện này, ráng chịu nghe con”. Bà T. lật đật trả lại giấy triệu tập: “Tui không ký gì đâu à nghe”.

Thừa phát lại: Trăm chuyện vui buồn từ tống đạt ảnh 1

Một thư ký nghiệp vụ đang niêm yết giấy triệu tập của tòa tại UBND phường 3, quận Bình Thạnh. Ảnh: ÁI PHƯƠNG

Theo quy định, nếu đương sự không nhận giấy triệu tập thì thư ký nghiệp vụ sẽ tiến hành thủ tục niêm yết. Các thư ký nghiệp vụ liên hệ với tổ trưởng khu phố và cán bộ tư pháp phường để họ đến chứng kiến và ký tên vào biên bản niêm yết. Khổ nỗi, mẹ con bà T. ra đứng chống nạnh trước cửa: “Nhà tui, tui không cho ai dán giấy tờ gì hết!”. Chúng tôi lại phải chạy ra công an phường để nhờ hỗ trợ. Anh công an phụ trách địa bàn kêu bận lắm và nói: “Khi nào kê biên tài sản thì hẵng gọi tụi tui, chứ cái giấy triệu tập này thì mắc gì mà kêu công an”.

Vậy là thủ tục niêm yết tại nơi ở của bà T. không thực hiện được, các thư ký nghiệp vụ phải lập một biên bản ghi rõ bà T. chống đối việc niêm yết, do đó Văn phòng TPL quận Bình Thạnh sẽ tiến hành niêm yết tại UBND phường nơi bà T. cư trú và tại TAND quận Bình Thạnh.

“Tao bị sida nè, mày muốn gì?”

Không chỉ gặp trường hợp “kiên quyết không ký, cũng không cho dán” như trên, chuyện TPL bị đương sự mắng chửi, đe dọa cũng không hiếm gặp. Lê Khánh Toàn, thư ký nghiệp vụ của Văn phòng TPL quận Bình Thạnh, nhớ hoài lần tống đạt giấy triệu tập cho một đương sự trong vụ án ly hôn, một người đàn ông lườm lườm nhìn anh: “Tao bị sida giai đoạn cuối nên con vợ tao mới đâm đơn ly hôn. Bây giờ tao không ký nhận giấy của tòa đó, mày muốn gì? Mày có tin là mày không còn đường về Bình Định không?” (lúc đó Toàn đi xe máy mang biển số 77). Cũng may, sau đó Công an phường 11, quận Bình Thạnh đã xuống hỗ trợ để Toàn có thể thực hiện niêm yết tại nơi ở của đương sự.

800 (số tròn) là số văn bản của tòa án và cơ quan thi hành án đã được năm văn phòng TPL tống đạt xong trong tháng đầu tiên thực hiện việc tống đạt.

Khi thực hiện việc tống đạt, TPL rất cần sự hỗ trợ của công an và cán bộ tư pháp ở địa phương. Tuy nhiên, không phải lúc nào các văn phòng TPL cũng nhận được sự trợ giúp từ cơ quan nhà nước. TPL Đỗ Phi Thường, Văn phòng TPL quận 1, cho biết không ít lần nhờ công an hoặc cán bộ tư pháp phường xác nhận vào biên bản tống đạt nhưng họ không chịu ký vì cho rằng họ chỉ có trách nhiệm hỗ trợ cán bộ tòa án hoặc cơ quan thi hành án, còn TPL là “ông” nào, họ chưa biết. Những lúc đó, TPL phải giở các văn bản pháp luật về TPL ra để giải thích, thuyết phục.

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng hiện các văn phòng TPL đều đảm bảo tiến độ. Theo quy định, thời hạn để tống đạt văn bản của tòa là ba ngày, của cơ quan thi hành án là hai ngày. Để đảm bảo đúng thời hạn, các văn phòng TPL phải nỗ lực rất cao vì thực tế có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thời hạn như: tìm không ra địa chỉ; cán bộ tư pháp, công an đi học, đi công tác, đi họp; chờ xác minh địa chỉ đương sự…

Thẩm quyền tống đạt văn bản được phân chia theo địa hạt. Văn phòng TPL quận 5 phụ trách tống đạt văn bản của tòa án và chi cục Thi hành án các quận 4, 5, 6, 11 và huyện Củ Chi. Văn phòng TPL quận Tân Bình: các quận 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn. Văn phòng TPL quận 8: các quận 7, 8, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Nhà Bè. Văn phòng TPL quận Bình Thạnh: các quận 2, 9, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Thạnh. Văn phòng TPL quận 1 phụ trách tống đạt đối với văn bản của TAND TP, Cục Thi hành án dân sự TP, TAND và chi cục Thi hành án các quận 1, 3, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ.

Làm cực nhưng… ít tiền

Hiện mức phí tống đạt mà tòa án và cơ quan thi hành án trả cho các văn phòng TPL cao nhất chỉ 90.000 đồng/văn bản, thấp nhất 20.000 đồng/văn bản. Trường hợp tống đạt ngoài địa bàn TP.HCM thì tòa, cơ quan thi hành án và văn phòng TPL tự thỏa thuận. Với mức phí này, hầu như các văn phòng đều than lỗ. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính từng cho biết: “Qua một thời gian thực hiện, mức phí tống đạt có thể được xem xét, điều chỉnh”.

ÁI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm