Theo người dân địa phương, cá bắt đầu có hiện tượng chết rải rác từ ngày 5 đến 6-12 thì cá chết đồng loạt. Người dân phải lặn vớt cá rồi đem đi chôn lấp để tránh mùi hôi.
Ông Trần Đình Chế (tổ dân phố An Cư Đông 2) cho biết: “Cá chết nhiều quá, khoảng 1.200 con, tôi không biết phải làm sao nữa”. Theo ông Chế, cá chết là những loại đặc sản như cá hồng, cá mú và cá vẩu đã nuôi hơn 18 tháng, trọng lượng đạt 1-2,5 kg/con. Tất cả số cá này gia đình ông Chế nuôi đợi bán vào dịp tết Nguyên đán 2017. Hiện nay dưới các lồng của gia đình ông Chế còn chưa đầy 2.000 con cá đang trong tình trạng lờ đờ. Anh Trần Văn Minh, con ông Chế, cho biết gia đình anh đến nay đã thiệt hại khoảng 300 triệu đồng.
Anh Trần Văn Minh ngâm người dưới dòng nước lạnh buốt để vớt cá chết. Ảnh: NGUYỄN DO
Nhiều hộ dân vay vốn ngân hàng để nuôi cá chờ ngày thu hoạch. Đến nay cá chết, người dân đứng trước nguy cơ nợ nần. Theo người dân địa phương, trong khoảng một tháng trở lại đây, không chỉ cá trong lồng bị chết mà nhiều loại cá ở ngoài môi trường tự nhiên trong đầm Lập An cũng chết khiến người dân lo lắng.
Ông Mai Văn Xỉ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, cho biết thống kê có trên 50 lồng cá nuôi của các hộ dân bị thiệt hại, tỉ lệ trong mỗi lồng cá chết 20%-30% so với số lượng nuôi. Theo ông Xỉ, cá chết có thể là do mấy ngày qua mưa nhiều, lượng nước ngọt trong đầm tăng cao. Thứ hai là do hoạt động quá mức của nhiều tàu khai thác hàu gần đó làm ảnh hưởng tới môi trường sống của cá. Hiện Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc đang phối hợp với Chi cục Nuôi trồng thủy sản và Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế lấy mẫu nước kiểm tra, tìm nguyên nhân cá chết để có giải pháp khắc phục kịp thời cho người dân.