Đồng thời, các cơ quan hải quan cho dừng xuất khẩu các lô hàng cà phê hòa tan mang nhãn hiệu G7, Trung Nguyên từ nhà máy trên.
Trao đổi với PV, bà Thảo cho biết có việc hải quan giữ lại hàng nhưng sự thật thì không hề có việc giả mạo nhãn hiệu. Cụ thể, cuối năm 2017, hàng loạt lô cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên sản xuất tại chi nhánh Bắc Giang (do bà Thảo trực tiếp điều hành) bị hải quan giữ lại tại nhiều cửa khẩu. Việc tạm dừng xuất khẩu lô hàng trên gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Qua tìm hiểu, bà Thảo được biết các sản phẩm cà phê hòa tan G7, Trung Nguyên bị tạm dừng xuất khẩu là theo yêu cầu của Công ty Trung Nguyên vì cho rằng các sản phẩm trên vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các nhãn hiệu của công ty. Ngoài ra, Công ty Trung Nguyên còn gửi đơn đến Cục Quản lý thị trường đề nghị kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu G7 và Trung Nguyên đối với bà Thảo.
Tuy nhiên, đầu năm 2018, Cục Quản lý thị trường khẳng định chưa có đủ căn cứ để xác định đối tượng sản xuất hàng hóa giả mạo nhãn hiệu G7 và Trung Nguyên theo yêu cầu của Công ty Trung Nguyên. Tháng 2-2018, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành giải phóng hàng hóa cho xuất khẩu đối với các lô hàng đang tạm giữ của bà Thảo nói trên và không tạm giữ các lô hàng cà phê hòa tan gắn nhãn hiệu G7, Trung Nguyên xuất khẩu trong thời gian tới (nếu đủ chứng từ chứng minh hợp pháp).
Bà Thảo cũng cho biết năm 2015, TAND TP.HCM đã thụ lý giải quyết tranh chấp ly hôn của vợ chồng bà. Bà yêu cầu tòa phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, gồm tài sản của gia đình và Công ty Trung Nguyên.
Theo đó, vợ chồng bà đang giữ 93% tài sản hữu hình và vô hình (bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ về các thương hiệu Trung Nguyên và G7) tại Tập đoàn Trung Nguyên. Bà Thảo cũng đã yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng bà trong Tập đoàn Trung Nguyên. TAND TP đã thông báo cho các đương sự, các bên liên quan về việc này…