Rạng sáng 14-9, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã rời cõi tạm với nhiều dự định dang dở.
Trong ông có một niềm tự hào “không có giới hạn”, một niềm tin tuyệt đối về lịch sử và chính nghĩa, vào sự giỏi giang của tổ tiên mình, sự vẻ vang của lịch sử đất nước mình... như ông đã từng nói.
Trong huyết quản có một bổn phận sâu sắc đối với Tổ quốc
Từng có thời gian làm việc với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, PGS-TS Bùi Chí Trung, cố vấn Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cho biết cuộc đời hơn 40 năm binh nghiệp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã để lại nhiều di sản quan trọng trong lĩnh vực tình báo quốc phòng, đối ngoại quốc phòng và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam (VN) chính quy, hiện đại.
“Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh không chỉ thừa hưởng tên tuổi của người cha anh hùng là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà còn sẵn có trong huyết quản một bổn phận sâu sắc đối với Tổ quốc” - PGS-TS Bùi Chí Trung đánh giá.
Theo PGS-TS Bùi Chí Trung, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ phó tổng cục trưởng rồi tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15-5-1959 tại Hà Nội. Tuy nhiên, trong giấy tờ lý lịch chính thức ghi ông sinh năm 1957. Chia sẻ với báo chí, ông cho biết mình đã khai thêm hai tuổi để đủ tuổi được nhập ngũ khi xin đi bộ đội.
Trên cương vị tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng, ông đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng ngành tình báo quốc phòng giữ vững phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân và có những bước phát triển đột phá, đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Từ năm 2009, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại khi Quân đội nhân dân VN đang dần trở thành một mũi chủ công trong thế trận bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa bình.
“Và từ đây, một nhà chiến lược xuất sắc của VN cũng bắt đầu tỏa sáng sau những năm tháng âm thầm phục vụ tại một lĩnh vực bí mật nhất của Quân đội nhân dân VN” - PGS-TS Bùi Chí Trung đánh giá.
PGS-TS Bùi Chí Trung cũng bày tỏ: Thế hệ của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là thế hệ vàng của thời đại Hồ Chí Minh, đã đổ bao xương máu vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Còn Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những người tiêu biểu của thế hệ kế tiếp, phụng sự suốt đời vì cơ đồ VN.
Kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Trên cương vị của mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một trong những người hiểu sâu sắc nhất tầm quan trọng của quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới. Ông luôn dốc hết sức mình chăm chút cho những mối quan hệ này nhằm củng cố và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, tăng mặt đồng thuận, giảm điểm bất đồng.
Ông cũng đã đặt nhiều tâm huyết vào việc VN tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (PKO). Từ những bước chân tìm hiểu trên thực địa ở châu Phi năm 2013 của ông, ngày nay các chiến sĩ mũ nồi xanh VN đã và đang là những sứ giả hòa bình của VN - một quốc gia với danh tiếng luôn có trách nhiệm đối với các vấn đề chung của thế giới.
Đầu năm 2023, tại buổi tọa đàm “Khát vọng hòa bình”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Việc tham gia PKO là một trong những chính sách đối ngoại của VN, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới.
Nói về hòa bình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ: Trong quá khứ, đất nước ta mỗi khi có hòa bình đều phải đổ máu, đều phải chiến đấu. “Chúng ta có được nền hòa bình ngày hôm nay là nhờ xương máu của các thế hệ đi trước... Vậy trong thời bình, chúng ta cần phải làm gì? Tôi nghĩ quan trọng nhất là nhân dân ta phải giữ cho được hòa bình để không phải đổ máu nữa. Trong cuộc đấu tranh để giữ được hòa bình trong thời bình, toàn dân chúng ta phải xây dựng đất nước tươi đẹp và bảo vệ Tổ quốc mình” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.
Khi còn giữ cương vị thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã có nhiều bài viết về lĩnh vực mình phụ trách. Đề cập đến đối ngoại quốc phòng VN, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, ông khẳng định: Đối ngoại quốc phòng là một thành tố quan trọng của đối ngoại quốc gia, với những đặc trưng: vừa hợp tác vừa đấu tranh để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia - dân tộc; góp phần bảo vệ hòa bình, tạo môi trường thuận lợi, tranh thủ điều kiện quốc tế để xây dựng, phát triển đất nước; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của VN trên trường quốc tế và cuối cùng là tranh thủ điều kiện từ bên ngoài để xây dựng quân đội.
Quá trình công tác của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Tháng 11-1999, trưởng thành qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng khi mang quân hàm đại tá.
Tháng 6-2000, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng. Tháng 2-2002, ông được thăng quân hàm thiếu tướng. Đến tháng 12-2004, ông được thăng quân hàm trung tướng.
Tháng 3-2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo quốc phòng.
Tháng 12-2013, ông được thăng quân hàm thượng tướng. Tháng 4-2016, ông được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Thường vụ Quân ủy Trung ương. Ngày 20-2-2017, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm lại Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giữ chức vụ thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 12-2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được nghỉ công tác.