Tuần này, UBTVQH sẽ họp, cho ý kiến về những dự án luật sẽ được trình QH kỳ họp tới, trong đó có hai dự án Luật CAND sửa đổi và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, liên quan đến việc phong tướng trong hai lực lượng này. Nỗi băn khoăn của người dân hiện nay là “tướng, tá thời chiến ít, mà sao giờ nhiều thế”.
Thêm bộ máy, thêm chức vụ, thêm tướng, tá
“Rất khó để giải thích hết nguyên cớ này” - trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của QH Trần Đình Nhã nói: “Dễ thấy nhất là lực lượng vũ trang càng tiến lên chính quy, hiện đại thì chức vụ, cấp hàm càng nhiều hơn”.
Theo ông Nhã, tổ chức vũ trang thời chiến đơn giản hơn nhiều so với hiện nay. Thời đó, bộ đội chính quy - lực lượng được đeo quân hàm - không nhiều. Tham gia chiến đấu nhiều khi là bộ đội địa phương, là dân quân, du kích, mà số ấy lại không có quân hàm cụ thể. Việc phong quân hàm do hoàn cảnh thời chiến nhiều khi không thực hiện được. Phân công ai làm đại đội, tiểu đoàn trưởng, thậm chí trung đoàn trưởng nhiều khi không dựa theo cấp hàm cao thấp, mà gắn với năng lực đã bộc lộ qua chiến trận.
Sang thời bình, quân đội, công an được tổ chức chính quy hơn. Nhiều đơn vị kỹ thuật, hậu cần trước chỉ là cấp cục, giờ lên tổng cục. Những năm gần đây, bộ máy, tổ chức các lực lượng vũ trang được củng cố, nâng cấp, hoàn thiện, làm tăng nhiều đầu mối. Chẳng hạn, với Bộ Công an, từ năm 2009, Tổng cục Cảnh sát trước đó đã được tổ chức lại thành ba tổng cục phụ trách ba lĩnh vực: Phòng, chống tội phạm; quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội; thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp. Tương tự, Tổng cục An ninh trước đây được tổ chức lại thành hai tổng cục về an ninh nội địa, an ninh đối ngoại… Với mỗi đơn vị đang từ cấp cục được nâng lên tổng cục thì dưới đó, nhiều đơn vị cấp phòng được kiện toàn, nâng lên cấp cục.
Lễ phong quân hàm đại tá và thượng tá. Ảnh minh họa: MQ-PT
Quân đội cũng vậy. Theo tờ trình hồi tháng 3 của Bộ Quốc phòng về sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan QĐND, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, đã phải tổ chức lại Bộ Chỉ huy vùng hải quân thành Bộ Tư lệnh vùng hải quân; Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM thành Bộ Tư lệnh TP.HCM; rồi Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển.
Theo quy định của Luật CAND và Luật Sĩ quan QĐND hiện hành, chức vụ càng cao thì quân hàm có thể được phong càng cao. Chẳng hạn như trong công an, cấp tiểu đoàn trưởng, trưởng công an huyện, trưởng đơn vị cấp phòng thì cấp bậc sĩ quan có thể là trung tá, thượng tá. Nhưng nếu lên chức giám đốc công an tỉnh, cục trưởng, vụ trưởng thì có thể được phong thượng tá, đại tá… lên tổng cục trưởng thì hàm phải là thiếu tướng, trung tướng.
Gắn cấp hàm với chức vụ như vậy, nên càng thêm đầu mối đơn vị lớn thì số sĩ quan có cơ hội lên lon đại tá, thiếu tướng, trung tướng càng nhiều.
Phình cấp tướng vì quy định tùy nghi
Nhưng đấy mới là cấp hàm theo quy định “cứng”. Còn những quy định “mềm” khác mở thêm cơ hội phong tướng cho lực lượng vũ trang. Cả hai luật vừa nêu đều có một điều khoản: Sĩ quan được giao nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hoặc địa bàn có vị trí trọng yếu về an ninh, trật tự (với công an), trọng yếu về quân sự, quốc phòng và có cống hiến xuất sắc (với quân đội) thì cấp hàm có thể cao hơn một bậc so với quy định chung.
Với quy định này, đến nay ngoài hai địa bàn đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM, hơn 2/3 số giám đốc công an cấp tỉnh đã được đeo lon tướng. Hầu hết các cục trưởng, vụ trưởng đều được thăng quân hàm thiếu tướng. Tất cả đều cao hơn một bậc so với trần cấp hàm quy định chung là đại tá. Chưa kể các tổng cục thuộc Bộ Công an đều có tổng cục phó giữ hàm trung tướng, ngang với cấp hàm cao nhất của cấp tổng cục trưởng, không phù hợp với nguyên tắc cấp phó thấp hơn cấp trưởng một bậc.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh: “Việc xác định địa bàn trọng yếu về quân sự, quốc phòng khó thực hiện, gây nhiều tâm tư, thắc mắc, so bì trong đội ngũ sĩ quan, giữa các địa phương, đơn vị với nhau”.
Hệ lụy và giải pháp
Ngoài các nguyên nhân nêu trên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an Lê Văn Cương cho rằng chế độ lương, đãi ngộ trong lực lượng vũ trang cũng gây áp lực tới việc phong cấp hàm sĩ quan. “Văn hóa, tổ chức bộ máy ta vẫn còn nặng về chức tước, phẩm hàm và gắn với nó là lương, bổng lộc” - ông nói.
Đây cũng là ý kiến của ông Trần Đình Nhã. “Bên hệ thống hành chính nhà nước, bảng lương được xây dựng theo ngạch, bậc của công chức - viên chức thì bên công an, quân đội lương cơ bản gắn với cấp hàm” - ông cho biết.
Theo ông Nhã, vì lương gắn với cấp hàm nên một cách tự động, cứ đến niên hạn là sĩ quan quân đội, công an lại được thăng quân hàm, kèm theo là mức lương tăng tương ứng. Còn chế độ gắn với chức vụ là phụ cấp, được tính theo lương cơ bản.
Chế độ lương này dẫn tới nhiều hệ lụy: Người làm công việc không đòi hỏi chuyên môn cao như bảo vệ, giữ trật tự đường phố nhưng theo thâm niên tăng lương vẫn có thể giữ cấp hàm tới thiếu tá, trung tá, làm mất đi ý nghĩa trang trọng của cấp hàm. Sĩ quan có xu hướng chạy theo chức vụ chứ không tập trung vào chuyên môn sâu, để qua đó có chức vụ cao thì được cấp hàm cao, kèm theo là lương cao.
Để khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác xét, phong, thăng quân hàm trong lực lượng vũ trang, nhất là hàm cấp tướng, Bộ Chính trị đã yêu cầu cần thể chế hóa các chức vụ có trần quân hàm cấp tướng, đảm bảo việc phong quân hàm chặt chẽ, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tướng lĩnh. Từ định hướng đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã dự thảo sửa đổi Luật CAND và Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Theo hai dự thảo này, giải pháp đầu tiên là bỏ hẳn điều khoản tùy nghi phong hàm cao hơn một bậc theo quy định chung. Thay vào đó, dự luật nêu rõ những địa phương, đơn vị mà người đứng đầu có trần cấp hàm cao đặc biệt.
Ngoài ra, cũng theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, hai cơ quan dự thảo cũng đổi mới chế độ lương cho sĩ quan công an, quân đội, theo đó lương cơ bản sẽ gắn với chức vụ, thay vì gắn theo cấp hàm như lâu nay. Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Nhã, cải cách chế độ lương trong lực lượng vũ trang sẽ là quá trình lâu dài, không dễ dàng gì.
NGHĨA NHÂN
Chế độ chính ủy Trong hai cuộc kháng chiến trước đây, Đảng thiết lập chế độ đảng ủy và thực hiện chế độ hai thủ trưởng trong quân đội, theo đó chính ủy là thủ trưởng chính trị của đơn vị vũ trang. Chuyển sang xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời bình, tới những năm 1980, chế độ hai thủ trưởng bị bãi bỏ. Các đơn vị quân đổi chuyển sang chế độ một người chỉ huy, với một cấp phó giúp cấp trưởng về công tác Đảng, công tác chính trị (phó chỉ huy về chính trị). Tuy nhiên, đến năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 51 thì quân đội chuyển sang thực hiện "chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên". Theo tinh thần chỉ đạo đó, Luật Sĩ quan QĐND được sửa đổi năm 2008 bổ sung chức danh chính ủy hoặc chính trị viên đặt tại tất cả đơn vị quân đội. Trần quân hàm cho người giữ chức danh chính trị này ngang bằng quân hàm của người chỉ huy đơn vị đó. Cơ chế ấy đã tạo ra một số không nhỏ sĩ quan chính trị cấp tướng ngang hàng với các vị tư lệnh quân đoàn, quân khu, quân chủng và các vị chủ nhiệm tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng. |