Xác định hàm cao nhất trong CAND cần đảm bảo thống nhất với ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị (Ảnh minh họa) |
Tờ trình Bộ Công an đưa ra xin ý kiến UBTVQH về dự thảo luật Công an nhân dân sửa đổi, chiều 15/4 nêu rõ: Đối với Bộ trưởng Bộ Công an, dự thảo Luật giữ nguyên quy định của Luật Công an nhân dân năm 2005, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng. Cấp bậc hàm cao nhất của các đồng chí Thứ trưởng là Thượng tướng. Riêng đối với Thứ trưởng thứ nhất, cấp bậc hàm cao nhất là Đại tướng.
Theo Ban soạn thảo, đồng chí này đứng vị trí thứ hai trong Bộ Công an (sau Bộ trưởng). Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn và bảo đảm tương quan với Quân đội nhân dân.
Đối với các Tổng cục, Bộ Tư lệnh, dự thảo Luật quy định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh… Riêng một Phó Tổng cục trưởng thứ nhất phụ trách công tác đảng, công tác chính trị tư tưởng và xây dựng lực lượng của Tổng cục, cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng.
Điều 24 dự thảo ghi rõ: Chủ tịch nước phong, thăng cấp bậc hàm cấp Tướng đối với sĩ quan Công an nhân dân. Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức vụ Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ Tư lệnh trong Công an nhân dân.
Đối với Bộ trưởng Bộ Công an, phong, thăng cấp bậc hàm cấp Tá, bổ nhiệm các chức vụ Phó Tổng cục trưởng, Phó Tư lệnh, Phó Chính ủy, Cục trưởng, Phó Cục trưởng và các chức vụ, chức danh tương đương, Giám đốc, Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc, Phó Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương...
Báo cáo thẩm tra cho biết, đa số ý kiến Thường trực UBQPAN đề nghị nghiên cứu phân cấp các chức vụ trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật CAND hiện hành, nghiên cứu bổ sung chức vụ Chính ủy vào hệ thống chức vụ cơ bản.
Đối với cấp bậc hàm cao nhất, Thường trực UBQPAN cho rằng, việc quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND là kế thừa quy định của Luật CAND hiện hành, có sự quán triệt, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đặc biệt là đối với chức vụ của sĩ quan có trần cấp bậc hàm tướng.
Tuy nhiên, Ban thẩm tra đề nghị Chính phủ phải giải trình rõ hơn về một số vấn đề về các nội dung thực hiện chưa triệt để ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm sự đồng thuận khi trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật.
Để thực hiện triệt để ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, nhiều ý kiến đề nghị cần xác định rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng và tiêu chí của mỗi cấp bậc hàm tướng để làm căn cứ xác định, bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với từng loại cơ quan, đơn vị trong CAND.
Theo đó cần quy định cấp bậc hàm cao nhất cho từng nhóm chức vụ cơ bản để xác định các chức vụ khác nếu tương đương về chức vụ thì tương đương về quân hàm. Ví dụ, quy định chức vụ Tổng cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng thì chỉ có chức vụ cấp trưởng ở những đơn vị ngang tổng cục mới có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, nhằm khắc phục tình hình cấp cục có trần cấp hàm bằng cấp tổng cục, cấp phó bằng cấp trưởng…
Cũng có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng sĩ quan cấp tướng trong CAND để bảo đảm cơ cấu cấp bậc hàm tướng phù hợp với cơ cấu tổ chức của CAND, đồng thời có sự cân đối, thống nhất, ổn định hệ thống cấp bậc hàm trong toàn lực lượng.
UBQPAN cũng đề nghị xem xét lại quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức vụ có trần cấp hàm tướng trong CAND (quy định tại Điều 24 dự thảo Luật) để bảo đảm phù hợp với Hiến pháp; theo đó, việc quy định Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm các chức vụ Tổng cục trưởng, Tư lệnh, Chính ủy Bộ tư lệnh là chưa phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 98 của Hiến pháp năm 2013.
Theo Nguyễn Dũng (infonet)