Đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là với những thế hệ trên 40 tuổi như chúng tôi, khi xưa nhắc đến một vị tướng là nghĩ đến một hình ảnh lung linh, oai hùng, của những con người xông pha trên trận mạc hoặc là người chỉ huy đáng kính của những người lính chiến. Hầu hết số họ chỉ là thiếu tướng, rất ít người có chức danh trung tướng trở lên (thời đó chưa bổ sung chức danh thượng tướng như bây giờ), còn đối với chức danh Đại tướng thì quả thật đó là những huyền thoại, nhân cách hoặc tính cách lịch sử.
Bây giờ, ra đường ngồi trong xe, tôi nhìn không biết bao nhiêu thiếu tá, trung tá, thậm chí thượng tá đứng cầm gậy điều khiển giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Được đọc và nghe không biết bao nhiêu ông tướng công an của các tỉnh (bé xíu) nói một cách ngây ngô về quy trình khởi tố vụ án, hoặc xử lý cưỡng chế vi phạm đất đai. Những hình ảnh đó góp phần làm mất đi rất nhiều tình cảm của những người dân chúng tôi đối với lực lượng Công an Nhân dân. Những người mà ở thế hệ chúng tôi, khi còn là thiếu niên, đa phần những tên tội phạm chỉ cần nghe thấy tiếng hô: “Công an tới” là hoảng loạn, bỏ hết cả hung khí để trốn chạy, chứ đừng nói đến chuyện quay lại chống người thi hành công vụ. Những người mà trong tổ dân phố khi có xung đột là ngay lập tức có “chú công an” đến để hòa giải hoặc can thiệp, chứ không cần phải đợi cả tiếng đồng hồ sau khi người dân gọi điện thong báo vẫn chưa thấy chiến sỹ công an nào tới.
Theo một thống kê, thì số lượng tướng công an Việt Nam nhiều hơn số lượng tướng quân đội Việt Nam. Theo thiển nghĩ của tôi, đó là một điều bất hợp lý vì chức năng chính của Công an là đảm bảo an ninh nội chính, bảo vệ sự bình yên cho người dân và đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các thành phần xã hội, chứ không phải là chiến đấu với quân thù. Chính vì vậy, tính chiến đấu của Công an không thể cao bằng quân đội, điều này thể hiện rõ qua việc chủng loại vũ khí được trang bị, số quân nhân và sỹ quan chiến đấu của hai lực lượng. Nói một cách thẳng thắn, không thể cho rằng lực lượng công an là lực lượng quyết định an ninh, hòa bình của một đất nước mà lực lượng Quân đội mới có thể là lực lượng có đủ khả năng để làm như vậy. Lịch sử chiến tranh hiện đại của Việt Nam đã chững minh rõ ràng điều đó, và những sự kiện xảy ra gần đây trên thế giới cũng chứng minh điều đó.
Lực lượng Công an nhân dân giúp dân sơ tán khỏi vùng ngập lụt.
Ảnh: Công an Nghệ An
Cho phép tôi trích dẫn khái niệm “tướng” từ một trong các Từ điển Bách khoa toàn thư có uy tín nhất thế giới, Từ điển Bách khoa Britanica: “General, title and rank of a senior army officer, usually one who commands units larger than a regiment or its equivalent or units consisting of more than one arm of the service. Frequently, however, a general is a staff officer who does not command troops but who plans their operations in the field. – Tướng, danh xưng và cấp bậc của một sỹ quan quân sự cao cấp, người thông thường chỉ huy nhiều đơn vị lớn hơn cấp Trung đoàn hoặc cấp tương đương hoặc các đơn vị hợp thành từ hai binh chủng trở lên. Theo thường lệ, một vị tướng là một sỹ quan không trực tiếp chỉ huy các đơn vị mà chính là người lên kế hoạch hành động trên trận địa”.
Hoa Kỳ, một trong những quốc gia có nên quân sự chuyên nghiệp nhất quy định như sau: “According to 10 USCS § 101 (Title 10, Armed Forces; Subtitle A, General Military Law; Part I, Organization And General Military Powers; Chapter 1, Definitions), the term “general officer” means “an officer of the Army, Air Force, or Marine Corps serving in or having the grade of general, lieutenant general, major general, or brigadier general.” http://definitions.uslegal.com/g/general-officer/
“Căn cứ theo Khoản 10, Các lực lượng vũ trang; Tiểu mục A, Luật Quân sự: Phần I. Tổ chức và Quyền hạn của Tướng Quân đội; Chương 1, Định nghĩa, thuật ngữ : “sỹ quan cấp tướng” có nghĩa là “một sỹ quan của Lục Quân, Không quân hoặc Thủy quân Lục chiến đang phục vụ hoặc có cấp hàm Đại tướng, Trung tướng, Thiếu tướng hoặc Chuẩn tướng”.
Xin lưu ý rằng cấp bậc cao nhất đối với lực lượng cảnh sát tại Hoa Kỳ là Cảnh sát trưởng (tùy cấp hành chính) chứ không gọi là tướng, còn đối với một số lực lượng có vũ trang khác thuộc Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ thì cũng chỉ gọi là Trưởng Cơ quan (ví dụ Kiểm soát Biên giới, Hải quan v.v.).
Tôi trích dẫn như vậy để muốn nói rằng theo thông lệ quốc tế, tướng được hiểu là chức danh (title) gắn liền với quốc phòng (chiến trường) nhiều hơn là an ninh nội địa. Rất ít quốc gia có hệ thống cấp bậc (ranking) xếp ngang Lực lượng Công an với Lực lượng Quốc Phòng như ở Việt Nam (xin xem thêm Bảng cấp bậc chức danh các lực lượng công an thế giới tại http://en.wikipedia.org/wiki/Police_rank).
Nói một cách tế nhị, một đất nước khi mà có quá nhiều chức danh công an, khi mà lực lượng công an được xếp ngang với lực lượng quốc phòng thì có nghĩa là an ninh của nước đó đang gặp rất nhiều vấn đề, và đời sống của nhân dân nước đó không ổn định và có nhiều bất ổn.
Ngoài ra, nếu cho rằng chúng ta có bản sắc riêng, đặc thù riêng, thì cũng cần quy định rõ tiêu chuẩn để được coi là một vị tướng: ví dụ số lượng quân, hoặc đơn vị người đó trực tiếp chỉ huy, tính chiến đấu của bộ phận được chỉ huy, tính gian khó, môi trường tác chiến v.v) chứ không thể chỉ dựa vào việc đó là các khu vực hành chính đông dân hay ít dân. Một người chỉ huy lực lượng vũ trang tại biên giới hoặc trận địa chắc chắn phải sử dụng nhiều kỹ năng, kiến thức quân sự hơn là một người chỉ huy tại một vùng đồng bằng trù phú, hòa bình, ổn định.
Đối với người dân, không phải là vì lực lượng Công an có nhiều cán bộ cấp tướng hơn mà thêm phần yêu mến và nể trọng. Ngược lại, chỉ cần nhiều những hạ sỹ, trung sỹ, thiếu úy, trung úy gần gũi với nhân dân, sẵn sàng có mặt khi cuộc sống của người dân bị xã hội đen đe dọa, nghiêm túc, minh bạch khi xử lý các vi phạm pháp luật, thượng tôn pháp luật khi điều tra các bức bối, vấn nạn lớn trong xã hội, vì nước quên thân, vì dân phục vụ thì sẽ đáng giá hơn nghìn, vạn lần một vị Đại tướng Dự phòng.
Tran Quang Minh
(*) Tựa do tòa soạn đặt. Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của bạn đọc Tran Quang Minh.