Ngày 2-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho hay tỉnh sẽ đề nghị Bộ Công Thương tăng cường cơ chế giám sát việc xả lũ của các hồ chứa nước trên toàn lưu vực sông Ba.
Đề nghị này xuất phát từ việc các thủy điện ở Tây Nguyên ồ ạt xả lũ nhưng không thông báo, gây lũ lịch sử đối với Phú Yên trong những ngày qua.
Gây nguy hiểm cho vùng hạ du
Theo ông Trần Lý, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Sông Ba Hạ, từ sáng sớm 30-11, nhiều nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên đồng loạt xả lũ xuống sông Ba. Trong đó, riêng hai thủy điện Đắk Srông, Krông H’năng chảy qua tràn, xả với lưu lượng hơn 10.000 m3/giây. Cùng với các hồ thủy điện khác cộng lượng mưa cực lớn trên lưu vực, sông Ba hứng một lượng nước khổng lồ.
Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ xả lũ lưu lượng 9.400 m3/giây vào chiều 30-11. Ảnh: TẤN LỘC
“Thủy điện sông Ba Hạ là thủy điện cuối cùng trong bậc thang nên khi lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống quá lớn, chúng tôi xin phép lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên để xả lũ vì hồ Sông Ba Hạ không còn khả năng chứa nước” - ông Lý nói. Chỉ từ 8 giờ đến 15 giờ ngày 30-11, thủy điện sông Ba Hạ đã liên tục tăng lưu lượng xả lũ xuống hạ du từ 4.000 m3/giây lên 9.400 m3/giây.
Theo ông Trần Hữu Thế, hồ chứa của thủy điện sông Ba Hạ có dung tích chỉ 160 triệu m3 trong khi lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống đến 30 triệu m3/giờ. “Nếu thủy điện sông Ba Hạ xả lũ cạn hồ thì chỉ hơn 5 tiếng đồng hồ sau là nước lũ lại đầy hồ trở lại. Nếu không giảm bớt lưu lượng xả lũ của các thủy điện trên thượng nguồn thì hồ thủy điện sông Ba Hạ không thể nào giữ được và sẽ gây ngập khủng khiếp đối với hạ du sông Ba” - ông Thế nói.
Ngoài thủy điện sông Ba Hạ, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên cũng chấp nhận cho thủy điện sông Hinh xả lũ xuống sông Ba với lưu lượng lớn. “Thủy điện sông Hinh gần như không điều tiết. Thủy điện này có đập cầu chì. Nếu không cho thủy điện này xả lũ thì nước dâng lên ngưỡng, đập cầu chì sẽ tự động nổ, càng nguy hiểm đối với hạ du. Do đó, nếu không cắt giảm xả lũ của các thủy điện ở Tây Nguyên thì Phú Yên gần như bó tay!” - ông Thế nói.
18 người chết và mất tích do lũ Theo thống kê, đến sáng 2-12, số người chết và mất tích do lũ là 18 người. Trong đó, Bình Định 3 người, Phú Yên 10 người, Khánh Hòa 2 người, Kon Tum 1 người, Đắk Lắk 2 người. Ngoài thiệt hại về người, mưa lũ đã làm hư hỏng, thiệt hại hàng ngàn hecta lúa và hoa màu, gia cầm, gia súc của người dân. Trước diễn biến trên, từ sáng 1-12, đoàn công tác của Ban chỉ đạo quốc gia PCTT đã đến Phú Yên để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại địa phương này. Ban này cũng đã có báo cáo gửi Thủ tướng về công tác chỉ đạo điều hành ứng phó với mưa lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên từ ngày 27-11 đến 1-12, trong đó đề xuất lãnh đạo Chính phủ chủ trì hội nghị đánh giá nguyên nhân, đề xuất giải pháp phòng chống lũ tại khu vực. |
Phú Yên bị động hoàn toàn!
Ông Trần Hữu Thế khẳng định các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên không hề thông báo với chính quyền tỉnh Phú Yên trong đợt xả lũ ồ ạt này. “Tôi thấy rất lạ là đợt xả lũ này, các nhà máy thủy điện ở Gia Lai không hề thông báo với Phú Yên khi xả lũ xuống sông Ba. Như thủy điện Đắk Srông đổ xuống sông Ba lượng nước khủng khiếp nhưng không nói gì cả. Tôi gọi điện thoại cho chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai rất nhiều lần nhưng điện thoại anh ấy bận liên tục, không liên lạc được, chắc anh ấy bận quá!” - ông Thế nói.
Ngay trong tối 30-11, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên liên lạc rồi có công văn đề nghị Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống thiên tai (PCTT) chỉ đạo các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ, cắt giảm lưu lượng xả lũ.
Ngay trong đêm, Bộ Công Thương đã yêu cầu các thủy điện ở Tây Nguyên điều tiết bớt một phần lưu lượng xả lũ. Theo ông Thế, nếu các thủy điện ở Tây Nguyên tiếp tục xả lũ với lưu lượng lớn, hồ sông Ba Hạ nhận bao nhiêu xả bấy nhiêu như bình thường mà không có sự hãm lại, đêm 30-11, cả tỉnh Phú Yên đã ngập trong nước.
Theo ông Trần Hữu Thế, trong quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, tỉnh Phú Yên chỉ điều hành việc xả lũ của các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Đối với các nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên trên lưu vực sông Ba, tỉnh Phú Yên chỉ có thể kiến nghị Ban chỉ đạo quốc gia PCTT để chỉ đạo điều tiết việc xả lũ.
“Tỉnh Phú Yên bị động hoàn toàn! Với tình trạng không thông báo tình hình xả lũ như vừa qua, chúng tôi không thể nào xử lý nổi tình hình. Chúng tôi đã cố gắng chủ động nhưng vẫn bị động vì các thủy điện ở Tây Nguyên đổ nước xuống bất cứ lúc nào, bất chấp ở hạ du ra sao” - người đứng đầu chính quyền tỉnh Phú Yên chia sẻ.
Xả lũ trên sông Ba: Tỉnh nào biết tỉnh nấy
Theo Bộ Công Thương, trên lưu vực sông Ba có nhiều thủy điện ở các bậc thang khác nhau nhưng chỉ có sáu thủy điện có dung tích phòng lũ và có cửa van điều tiết, còn lại tất cả thủy điện khác trên cùng lưu vực sông Ba đều là thủy điện điều tiết ngày, tràn tự do, tức là không có khả năng giữ lại nước, lũ về đến đâu tràn đến đó, không có khả năng cắt lũ cho hạ du.
Sáu công trình có cửa van điều tiết, gồm thủy điện KaNak, An Khê, Ayun Hạ (Gia Lai); Krông H’năng, hồ sông Ba Hạ, hồ Sông Hinh (Phú Yên). Tất cả hồ chứa này khi mực nước lũ bình thường thì đều có chức năng cắt giảm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, trong trường hợp lũ lịch sử, vượt lũ thông thường, các hồ chứa này sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp của Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trực tiếp là chủ tịch UBND tỉnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong Quyết định 878 ngày 18-7-2018 của Thủ tướng về quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba, tại điểm a khoản 1 Điều 23 về việc cung cấp thông tin, báo cáo, quyết định nêu rõ: Trong mùa lũ, trưởng Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai phải thông báo cho Phú Yên và các cơ quan trung ương, Đài khí tượng thủy văn... ít nhất 4 giờ đồng hồ trước khi mở cửa xả đầu tiên.
Tuy nhiên, với thông tin mà ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cung cấp cho chúng tôi thì tỉnh này hoàn toàn không tiếp nhận bất kỳ thông tin nào từ Gia Lai. Chỉ đến khi Phú Yên cầu cứu trung ương thì lũ ở Phú Yên mới giảm.
Chính vì vậy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết sẽ đề nghị Bộ Công Thương xây dựng bản đồ ngập lụt toàn lưu vực sông Ba. Theo đó, bản đồ này được số hóa thành một ứng dụng để công khai, giám sát việc xả lũ của tất cả hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
“Khi các thủy điện vận hành thì người dân phải biết nhà máy đó đang xả nước bao nhiêu, dự kiến trong thời gian tới tiếp tục xả bao nhiêu… Như vậy ở hạ du mới ổn định. Ngoài ra, ứng dụng này cho biết nước ở thượng nguồn tới đâu, khi các thủy điện xả lũ thì bao lâu sẽ đến hồ tiếp theo, khi nào hồ cuối cùng xả xuống hạ du. Với mức xả đó thì hạ du ngập tới đâu” - ông Thế nói.
Rõ ràng trong đợt lũ vừa qua, Phú Yên chỉ chủ động ứng phó, cứu hộ trong tỉnh, còn hoàn toàn bị động trong việc tiếp nhận nguồn nước khổng lồ từ thượng nguồn sông Ba đổ về. Nếu địa phương này chủ động được việc này, có lẽ con số thiệt hại sẽ nhỏ hơn nhiều, không đến mức phải 10 người chết, thiệt hại vô cùng lớn về tài sản.•
Cần quy buộc trách nhiệm Theo luật sư Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa, thực tiễn lâu nay người dân phải gánh chịu thiệt hại nặng nề về người, tài sản do việc xả lũ gây ra dù đúng quy trình hay không đúng quy trình. “Dù đã xảy ra bao đau thương, hậu quả nặng nề nhưng đến nay vẫn không một cá nhân, tổ chức nào của thủy điện đứng ra chịu trách nhiệm, không có cơ quan nào đứng ra xử lý trách nhiệm hay xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho người dân” - luật sư Hà nói. Theo luật sư Hà, việc quy buộc trách nhiệm các tổ chức, cá nhân phải chịu trách nhiệm, bồi thường cho người dân là trách nhiệm của Nhà nước, không thể để người dân tự chạy, tự bơi. Quốc hội cần sớm bổ sung quy định về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức xả lũ sai quy trình theo hướng xử lý hình sự, bồi thường cho người dân. |