Tiến cử người tài, loại bỏ cán bộ yếu kém (*)

LTS: Mới đây, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, đã gửi tâm thư đến Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề xuất nhiều kiến nghị về công tác cán bộ.Pháp Luật TP.HCM xin trích đăng một số nội dung đáng chú ý của bức tâm thư này.

Nghị quyết Trung ương 4 của Khóa XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có một chủ trương rất hay, sáng suốt đó là: “Thí điểm chế độ tiến cử, chế độ tập sự lãnh đạo quản lý; thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”.

Chọn người tài đức, được xã hội suy tôn

Thực tế, để tuyển chọn được người có đức, có tài và sử dụng đúng mục đích thì phải có cách thức để nhận diện. Cách nhận diện phổ biến nhất hiện nay là: Đối với các chức danh do bầu cử (lãnh đạo, quản lý) thì phải trình bày được cương lĩnh, chương trình, kế hoạch hành động và bảo vệ được quan điểm, tư tưởng của mình trước tập thể có thẩm quyền. Đối với các chức danh do bổ nhiệm (điều hành) thì nhất thiết phải thông qua thi tuyển.

Ngoài hai hình thức tuyển chọn cơ bản trên đây, cần đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tiến cử nhân tài như chủ trương mà nghị quyết trên đã nêu. Theo đó, những ai nhận thấy một người có khả năng đáp ứng đủ các tiêu chí cán bộ theo từng nhóm như trên thì tiến cử người ấy cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Đồng thời phải xác định trách nhiệm cụ thể của tập thể, cá nhân trong việc tuyển chọn cán bộ và tiến cử nhân tài với các quy định về thưởng, phạt nghiêm minh.

Trong lịch sử nước ta, vua Lê Thánh Tông, người rất trọng dụng nhân tài, đã từng áp dụng cơ chế tiến cử, bảo cử,… Điều này để lại những giá trị tham chiếu bổ ích.

Tiến cử thì lấy người tài, đức hơn hẳn mà không căn cứ thân phận; bảo cử thì lấy người có danh vọng rạng rỡ, được xã hội suy tôn. Tiến cử là cách chọn nhân tài từ trong nhân dân, không căn cứ vào thân phận. Chế độ này cho phép một vị quan hay một người có tước được đề nghị đưa một người có tài nhưng vì nhiều nguyên nhân mà chưa có điều kiện đi thi (hoặc thi không đỗ) được giữ một chức quan nào đó.

Bảo cử là hình thức chọn những quan lại có quá trình công tác tốt, có tài năng và có kinh nghiệm trong thực tiễn quan trường mà bổ nhiệm để giữ những chức vụ quan trọng ở các cơ quan trung ương và địa phương. Theo đó, các quan đương chức có quyền và nghĩa vụ giới thiệu những người mà mình biết là có đủ phẩm chất và năng lực nhưng không nhất thiết phải là công thần hoặc đỗ đạt đại khoa để bổ sung vào những chức quan còn đang khiếm khuyết nhưng phải chịu trách nhiệm rất nghiêm khắc trước pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - người viết tâm thư bày tỏ nhiều kiến nghị về công tác cán bộ. Ảnh: QH

Đánh giá cán bộ phải trên thực chứng hành vi công vụ

Cùng với việc đẩy mạnh cơ chế tuyển dụng người tài cũng cần cơ chế hữu hiệu để đánh giá cán bộ một cách thực chất hơn và mạnh dạn loại bỏ những cán bộ yếu kém.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cũng xác định: “Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu”.

Thực tế cho thấy về phương pháp đánh giá cán bộ, hiện nay chúng ta chủ yếu dựa vào báo cáo tự kiểm điểm của cá nhân và bỏ phiếu tín nhiệm của tập thể để làm căn cứ đánh giá cán bộ. Cơ chế này có mặt tích cực là bảo đảm dân chủ nhưng có khi không chính xác, thậm chí thiếu khách quan nếu như tập thể đánh giá là một tập thể phe cánh, xuôi chiều.

Để khắc phục tình trạng này, cần quy định bộ tiêu chí đánh giá cán bộ trên cơ sở xác định thực chứng từng hành vi công vụ với các thang điểm cụ thể như: Ý thức chấp hành kỷ luật; mức độ hoàn thành nhiệm vụ; kết quả cụ thể từ ngày nhận nhiệm vụ; khả năng xử lý tình huống; khả năng đề xuất những vấn đề mới làm thay đổi tình hình…

Ngoài ra, cần có quy định về việc khảo khóa, sát hạch theo định kỳ hằng năm để đánh giá lại năng lực cán bộ qua cơ chế thi lại (có cập nhật) và bỏ phiếu tín nhiệm để đánh giá khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Dưới triều vua Lê Thánh Tông, việc bố trí, sử dụng quan lại cũng thực thi chế độ khảo khóa; chế độ giám sát, quản lý quan lại; lệ giản thái (tức là khi quan lại nếu không đáp ứng được nhu cầu của Nhà nước hoặc bất tài đều bị bãi chức).

______________________

(*) Tựa bài và các tít nhỏ do tòa soạn đặt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm