Sau một buổi thi tại Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), trời bỗng đổ mưa nhưng không nặng hạt. Nhóm sinh viên (SV) tình nguyện tại đây lập tức đứng dậy đi lấy dù và áo mưa chạy vào sân trường để che cho thí sinh (TS) ra về. Nhưng sân trường thật vắng, bởi hầu hết TS đều đứng vào hành lang tranh thủ tám chuyện cùng bạn bè về bài thi, số ít chạy nhanh ra cổng để cha mẹ đón về.
Thế là các “chiến sĩ” tự đứng che mưa cho mình dưới sân và ngóng xem có TS nào định ra sân thì sẽ che cho TS đó. Có những cặp SV chịu ướt mình để giăng áo mưa tìm che cho TS nhưng không có TS nào cần đến vì sự ái ngại nào đó. Thấy thế, một giáo viên làm giám thị tại đây liền gọi với ra: “Các bạn vào trú mưa đi, không cần đâu, TS có thể đi vòng theo hành lang ra cổng được mà”.
Che mưa cho thí sinh là một trong số ít các hoạt động mà sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi có cơ hội “ra tay”. Ảnh: PHẠM ANH
Còn tại điểm thi Trường THPT Hiệp Bình, quận Thủ Đức (TP.HCM), cả chục SV tình nguyện dường như túc trực tại đó xuyên suốt từng ngày thi. Qua trò chuyện, các bạn SV ở đây đến từ Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM). Một SV cho biết em thích hoạt động này nhưng hai năm nay đi làm chán lắm. Chỉ coi như đi cho vui vì nghỉ hè không biết làm gì. Cổng trường thì rộng, chẳng khi nào chen lấn, kẹt xe. TS thì phần nhiều tự chạy xe máy nên mở cổng là chạy ào vào bãi xe hoặc chạy ra nên không giúp được gì.
“Khi có tài trợ đồ ăn, thức uống thì tụi em phát cho phụ huynh học sinh nhưng nhiều người không lấy vì có mang theo hoặc về nhà ăn. Toàn dư nên tụi em lại mang về” - SV này than.
Và tại nhiều điểm thi khác, tình trạng “thất nghiệp” ấy cũng diễn ra tương tự.
Công bằng mà nói, những đóng góp của hàng ngàn SV tình nguyện suốt mười mấy năm qua cho cộng đồng xã hội là không thể phủ nhận. Họ đã để lại dấu ấn đẹp trong lòng mỗi phụ huynh học sinh nhiều thế hệ vào mỗi mùa thi đến.
Thế nhưng đó là chuyện của quá khứ, khi mà hàng trăm ngàn TS ở tỉnh lẻ phải dồn về các TP lớn để dự thi ĐH.
Nhưng năm năm trở lại đây, thi cử đã bao mùa đổi mới. Mỗi tỉnh, thành đều có các cụm thi THPT quốc gia và các điểm thi dường như dàn đều về tất cả các trường. Vì thế, hầu như học sinh trường nào sẽ thi tại trường đó, quá thuận lợi cho TS và nhẹ nhõm cho phụ huynh.
Đồng ý rằng khi có một lượng lớn TS dự thi sẽ có nhiều trường hợp bất khả kháng cần hỗ trợ như TS khuyết tật, kẹt xe... nhưng cũng không cần thiết huy động lượng lớn SV hỗ trợ đến như thế. Đó là một sự lãng phí và hình thức. Chưa kể các TS đã lớn và kỳ thi cũng đã được đơn giản hóa, không nhất thiết phải “tiếp sức” kiểu chở che ấy.
Thiết nghĩ xã hội ngày một thay đổi thì các hoạt động tình nguyện như Tiếp sức mùa thi cũng không thể nằm ngoài cuộc. Đã đến lúc hoạt động này cần được đánh giá lại để có hướng đi mới sao cho phù hợp. Đừng vì níu giữ hoạt động truyền thống mà tiếp tục lãng phí sức nghĩ, sức cống hiến và sáng tạo của các bạn trẻ.