Tiếp tục rà soát, cắt những chứng chỉ không cần thiết

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 ngành nội vụ hôm 12-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt khen ngợi bộ này đã đề xuất cắt giảm hàng trăm chứng chỉ không cần thiết cũng như vượt mục tiêu tinh giản biên chế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ
năm 2022 của ngành nội vụ. Ảnh: TTXVN

Tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức còn hình thức

Báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay năm 2021, bộ đã tham mưu bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học và cắt giảm quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp viên chức trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Cụ thể, bộ đã đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; bỏ chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 17 chứng chỉ theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.

“Một số nơi, một số việc tôi thấy hơi hình thức. Có những thứ bắt người ta thi, kiểm tra nhưng kiến thức thực tế không có mấy và sau này cũng không làm gì mấy” - Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ý kiến sau đó.

Ông Lê Thành Long đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục rà soát, cân nhắc để cắt giảm hơn nữa một số cuộc thi và chứng chỉ không cần thiết đối với cơ chế tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức.

“Tôi đọc hồ sơ, anh nào cũng biết tiếng Anh cả nhưng người ta hỏi “Anh khỏe không?” lại trả lời “Tôi ở chỗ này”… Nói tóm lại là hình thức. Các đồng chí rà soát, cắt giảm được cái này, nhiều người hoan nghênh” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.

Ghi nhận phong trào học ngoại ngữ, tin học là rất tốt, tuy nhiên Thủ tướng cho rằng khi áp dụng trong thực tế lại máy móc khi đáng lẽ khu vực dân tộc phải học tiếng dân tộc để lăn lộn hiểu bà con thì vẫn yêu cầu… chứng chỉ tiếng Anh. “Cần thì rất cần nhưng phải sát với thực tế” - Thủ tướng nói tiếp.

Thủ tướng cũng đánh giá còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa đủ tầm, việc tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức còn hình thức. “Những người giỏi thực sự phải xem từ hồ sơ học phổ thông của họ, phải có học bạ để nghiên cứu... Tất nhiên, cũng có người có năng khiếu, người ta không học nhưng làm rất giỏi nên không được quá máy móc. Nhưng cơ bản muốn giỏi là phải có nền tảng, có tư duy, phương pháp luận, mà tư duy, phương pháp luận là những cái học ở trường” - Thủ tướng nói.

50%

Tính đến hết năm 2021, số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố giảm gần 50% so với năm 2015. 

Đề nghị không tinh giản 10% giáo viên, nhân viên y tế

Theo Bộ Nội vụ, năm 2021, lần đầu tiên cả nước hoàn thành vượt mục tiêu tinh giản biên chế (10%) mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 7-4-2015. Tính đến hết năm, biên chế công chức giảm 10,01%; biên chế sự nghiệp giảm 11,67%; cán bộ, công chức cấp xã giảm gần 9%...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị việc tinh giản biên chế 10% đặt ngoài số lượng giáo viên (GV) và lực lượng ngành y tế.

“Trong tình trạng đang rất thiếu GV, nếu cắt giảm một cách cơ học 10% thì ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm lực lượng GV trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đảm bảo chất lượng” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.

Ông Sơn cho hay hai bộ Nội vụ và GD&ĐT đã trình Thủ tướng, trình Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị xét duyệt 27.850 chỉ tiêu biên chế để tuyển GV cho năm 2022. Tuy nhiên, theo ông, đây chỉ là “một phần nhỏ” trong nhu cầu giải quyết tình trạng thiếu GV hiện nay. Vì vậy, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương áp dụng hình thức ký hợp đồng để giải quyết trước mắt tình trạng thiếu GV, đặc biệt là ký hợp đồng đối với lực lượng GV còn đang trong chuẩn cũ và có kế hoạch bồi dưỡng để số này có thể nhanh chóng đạt chuẩn.

“Nói ở đâu có học sinh, ở đó có GV; ở đâu có người bệnh, ở đó có bác sĩ thì đúng rồi nhưng phải hợp lý. Hợp lý ở chỗ anh sắp xếp thế nào cho hiệu quả. Có vài học sinh thôi nhưng anh bố trí chín thầy cô thì có hợp lý không? Nếu cứ tràn lan điểm trường thì không được nhưng thu lại hết cũng không được” - Thủ tướng nói và yêu cầu chính quyền địa phương, chính quyền cơ sở phải đánh giá và sắp xếp lại.

“Chưa sắp xếp lại thì làm sao cứ nói là thiếu” - Thủ tướng lưu ý.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết nhiều tỉnh cơ cấu lại, vẫn đội ngũ GV như thế nhưng sắp xếp lại điểm trường, tổng số lớp học và bố trí lại GV… “Các đồng chí chỉ cần suy nghĩ nhiều hơn, cân nhắc kỹ hơn, sắp xếp tốt hơn thì không thiếu. Còn cứ cứng nhắc thì thiếu. Đánh giá thật khách quan, nếu thiếu thật thì chúng ta bù đắp được” - Thủ tướng nói.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm