Tiết học vào chiều thứ Tư (23-3), em nào cũng hí ha hí hửng theo chân cô đến thư viện. Một số em mặc sẵn áo bà ba, quấn khăn rằn để chuẩn bị diễn cho cả lớp xem vở kịch từ câu chuyệnBa cô gái mà các em đã đọc.
Vừa đến nơi, chưa kịp nghe cô giáo dặn dò, các em ùa đến những tủ sách chọn lấy những quyển mà mình thích. Rồi mỗi em một góc trên salon hay ngồi bệt tựa vào tường, ngồi ngay ngắn trên các dãy ghế, tụm ba tụm bốn, thậm chí nằm lăn ra để đọc. Chừng 15 phút, một nhóm đi lấy các con rối để múa rối theo tình tiết câu chuyện trong sách mà các em đã chuẩn bị từ hôm trước. vở kịchBa cô gái nối tiếp diễn ra. Cả lớp tụm lại dưới nền theo dõi chăm chú và cười thích thú mỗi khi các bạn diễn hay, quên bài hoặc có những cử chỉ gây cười. Kết thúc là những tràng pháo tay rồi tất cả lại trở về chỗ cũ đọc sách tiếp.
Các em thoải mái đọc sách và diễn kịch tại thư viện Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi. Ảnh: P.ANH
Nói về tiết học này, em Nguyễn Thị Minh Anh, HS lớp 4/2, hồn nhiên: “Em thích giờ học tại thư viện lắm. Em được đọc thoải mái những quyển sách em thích về khoa học và truyện dân gian, lại còn được đóng kịch với các bạn nữa. Mỗi tiết 35 phút mà em thấy nhanh lắm nên giờ ra chơi em lại rủ các bạn đến tìm sách đọc tiếp”.
Không chỉ riêng lớp 4/2 mà 32 lớp của trường đều có 32 tiết học như thế mỗi tuần trong giờ chính khóa. giáo viên cũng là những người cùng các em đến thư viện, hướng dẫn cho các em đọc sách, cách tóm tắt nội dung và kể chuyện, sáng tạo ý tưởng sắm vai… Em nào thích thì có thể viết thành bài cảm nhận về quyển sách nào đó mà các em ấn tượng nhất. Những bài viết ấy được đóng tập ngay ngắn để bạn khác có thể tìm đọc.
Cô Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ hoạt động này đã có từ năm năm nay. HS bây giờ dành thời gian chơi điện tử, dán mắt vào tivi hoặc điện thoại nhiều quá, nhiều em chỉ thích chạy nhảy hoặc ra căn tin ăn vặt. Ngay cả giáo viên cũng rất ít khi đọc sách thì làm sao HS thích đọc được. Do đó để thu hút HS, mỗi năm trường bổ sung khoảng 300 bản truyện, sách mới cho thư viện, đưa tiết đọc sách vào giờ chính khóa, cùng các cô giáo xây dựng nhiều chuyên đề về sách để hình thành thói quen đọc sách cho các em. “Tiết “Đọc sách” phải là tiết hướng dẫn đọc một cách thích thú chứ không gò bó. Chúng tôi muốn thư viện còn là nơi dạy HS các kỹ năng về sách như cách đọc, cách tóm tắt, sáng tạo các ý tưởng mới lạ từ sách” - cô Hà nói.
Nhìn các em thích thú với những quyển sách, người viết chợt nhớ đến tâm sự của một nhà giáo tại một hoạt động về sách: “Thời còn chiến tranh, nghèo khổ, quyển sách đã trở thành niềm mơ ước của bao người thì cớ sao khi cuộc sống đủ đầy, xã hội phát triển như hôm nay thì sách lại bị lãng quên. Những nhà viết sách, từ tác giả đến nhà xuất bản đã rất tâm huyết để làm ra những cuốn sách giá trị thì cớ sao chúng ta lại không ngó đến. Dù bằng cách này hay cách khác, chúng ta phải để thư viện trở về đúng vai trò của nó, để sách luôn là người bạn thân thiết và là món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi người, bởi chính sách đã giúp chúng ta lớn lên và trưởng thành”.
Nhiều học sinh của Trường Nguyễn Văn Trỗi rất thích thú với giờ đọc sách ở thư viện. Ảnh: P.ANH
Học sinh đang diễn lại vở kịch tự dựng theo nội dung trong sách mà các em đã đọc. Ảnh: P. ANH