Không ít người cho rằng, nghề này vừa được ăn vừa được nói vừa được gói mang về nhưng ít ai biết cái khổ, áp lực của người làm giám khảo. Họ có thể được đưa lên mây bởi những lời khen ngợi có cánh từ phía khán giả cũng dễ dàng bị dìm xuống đáy vì những vạ miệng.
"Ngồi trên ghế giám khảo mới thấy dư luận lợi hại thế nào. Có lúc giám khảo bị hoang mang đến mức không biết nên làm theo ý mình hay làm theo dư luận, và cũng không biết làm sao cho dư luận vừa lòng đấy là chưa kể đến việc đôi khi còn phải chịu áp lực từ phía nhà tổ chức và cả thí sinh." - một giám khảo trải lòng.
Bỏ qua những tranh cãi về kịch bản hay bàn tay dàn xếp của nhà sản xuất, không thể phủ nhận có những nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực nghệ thuật của nước nhà đã mang đến thành công cho các chương trình nhờ bản lĩnh khi đưa ra những nhận xét xác đáng, thẳng thắn mà không kém phần hài hước...
Đạo diễn Lê Hoàng, Quang Dũng, hai kiện tướng Khánh Thi, Chí Anh, nhạc sĩ Quốc Trung, Huy Tuấn,...là những vị giám khảo dám nói, cho điểm và đưa ra những lựa chọn khá công tâm, chính xác trong những show truyền hình gây hot gần đây như: VietNam idol, Cặp đôi hoàn hảo, Bước nhảy hoàn vũ, VietNam Got Talent.
Kiện tướng dance sports Khánh Thi - người từng ngồi ghế nóng Bước nhảy hoàn vũ 2010, 2012
Bên cạnh đó, cũng có một số gương mặt từng được mời làm giám khảo nhưng đứng giữa ranh giới lúc được khen lúc bị chê như ca sĩ Siu Black, nghệ sĩ Thành Lộc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, ca sĩ Thanh Lam, người mẫu Hà Anh, ca sĩ Mỹ Tâm, nhạc sĩ Lê Minh Sơn, người mẫu Thuý Hạnh, người mẫu Xuân Lan...
Cát xê mà các vị giám khảo nhận được là bao nhiêu cho mỗi chương trình? Đó là câu hỏi mà khiến nhiều người tò mò. Ngoại trừ kiện tướng Chí Anh từng thẳng thắn chia sẻ rằng anh nhận được 4 triệu đồng từ vai trò giám khảo ở Bước nhảy hoàn vũ 2010 thì đến nay đại đa số các nhân vật đều muốn giữ kín chuyện này.
Một nhạc sĩ ở Hà Nội từng ngồi ghế nóng cho biết, việc trả cát xê không "cào bằng" mà đôi khi tuỳ vào cá tính, tài năng của từng nghệ sĩ. Cá nhân anh thú nhận cát xê nhận được ở một cuộc thi mà theo nhận xét của nhiều người là bị "chửi" nhiều hơn "khen" là hơn 10 triệu /buổi (tiền máy bay, ăn đơn vị tổ chức lo).
Từ đó có thể suy luận cát xê mà Lê Hoàng nhận được ở một chương trình gây hot năm 2010 không thể ngoài mức từ 10 triệu đến 50 triệu/buổi. Nếu vậy thì số tiền mà đạo diễn nổi tiếng này có được cho việc "bán chất xám" ở vai trò giám khảo chẳng thấm vào đâu so với cát xê đi hát một buổi của một ca sĩ mới nổi từ cuộc thi Viet Nam idol.
Đạo diễn Lê Hoàng - người khá đắt sô trong vai trò giám khảo thời gian gần đây
Mới đây, khi truyền thông cho một cuộc thi sắp diễn ra có tên The Voice Việt Nam 2012 (hay còn gọi bằng cái tên Giọng hát Việt), BTC tuyên bố phải bỏ ra một khoản tiền "khủng" để mời được Đàm Vĩnh Hưng, Hà Hồ. Nhưng thực sự số tiền các ca sĩ nhận được có "khủng" hay chỉ là "chiêu" PR vẫn là một dấu hỏi lớn?
Nguồn tin đáng tin cậy từ một người (từng được BTC nhắm tới mời làm giám khảo cho chương trình này) tiết lộ mức giá anh có thể nhận được trong vai trò giám khảo nếu gật đầu đồng ý là 250 triệu, điều đó tương đương với khoảng hơn 10 triệu/một buổi.
Đặt giả định Mr Đàm và Hà Hồ - hai ca sĩ hot hơn được trả cát xê gấp rưỡi hoặc gấp đôi là 500 triệu thì việc họ phải bỏ thời gian để góp mặt trong vòng hơn 2 tháng chấm từ vòng sơ tuyển đến khi chương trình lên sóng trực tiếp tính ra còn quá ít nếu so với việc họ chạy một sô hát event, phòng trà, thậm chí là ở... đám cưới.
Ca sĩ Hồ Ngọc Hà - người sẽ làm giám khảo The Voice Việt Nam 2012
Nhạc sĩ Nguyễn Cường, người có nhiều năm ngồi trong Hội đồng nghệ thuật chương trình "Bài hát Việt" bảo từng không ít lần nhận được câu hỏi: Nếu nhận được lời mời làm giám khảo cho một chương trình truyền hình, có sẵn sàng tham gia? và ông từng trải lòng rằng: "Sẵn sàng với điều kiện cát-xê của mình phải cỡ nhiều nghìn USD".
Bởi theo cách lý giải của vị nhạc sĩ nổi tiếng với ca khúc Tây Nguyên thì nói cái giá "trên trời" để người ta sợ mà trừ mình ra hoặc nếu "chịu chơi" bỏ ra số tiền đó thì mới xứng đáng với việc "chường" cái mặt ra để công chúng săm soi như hệ quả mà các giám khảo đang phải đón nhận hiện nay.
Được mời làm giám khảo là vinh dự của mỗi một nghệ sĩ. Nhưng thực tế đã có những người chẳng ngại ngần từ chối thẳng thừng đơn giản không phải vì tiền mà thấy "sự ganh tị, ảo vọng của giới đồng nghiệp" - lời bộc bạch của nhạc sĩ Tuấn Khanh hoặc đôi khi lại chỉ vì người đồng hành chung ghế với mình chưa... xứng tầm.
Và không phủ nhận bên cạnh những người (chủ yếu là nhạc sĩ, đạo diễn, ca sĩ, nghệ sĩ... ) nhận lời tham gia làm giám khảo các cuộc thi hay gameshow không phải vì tiền hay quyền lực gì thì cũng có một số ít "háo danh" muốn hoặc tìm cách để mình được ngồi vào vị trí ghế nóng miễn sao làm "sang" cho bản thân...
Nhưng dù thế nào thì đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận giám khảo là một cái nghề chứ không hề "rảnh thì làm cho vui". Và khi đã xem đó là một nghề thì cũng như mọi công việc khác, đã làm, cần sự nghiên cứu kỹ càng, công tâm, trách nhiệm và cả sự quên mình cho chương trình, tất nhiên cần cả sự chấp nhận những cái gọi là "vạ miệng" hay "tai nạn nghề nghiệp".
Theo Sơn Hà (VNN)