Ông Lee Kyeong Sig làm nghề nuôi chó lấy thịt được 12 năm và hiện có một trang trại nuôi 1.100 con chó ở ngoại ô thủ đô Seoul.
Vào tháng 11-2023, khi hay tin các nhà lập pháp Hàn Quốc (HQ) đang thúc đẩy luật cấm nuôi chó lấy thịt và tiêu thụ thịt chó, ông Lee đã rất lo lắng.
“Nếu tôi phải đóng cửa với tình hình tài chính hiện tại, thực sự tôi không biết phải làm gì nữa. Tôi đã làm công việc này trong suốt 12 năm qua. Điều này đến quá đột ngột” - ông Lee nói.
Tuy nhiên, nỗi lo đóng cửa cơ sở nuôi chó lấy thịt của ông Lee sắp thành sự thật.
Ngày 9-1, quốc hội HQ đã thông qua dự luật cấm chăn nuôi và giết mổ chó để tiêu thụ. Dự luật nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng trong quốc hội HQ với 208 phiếu thuận và 2 phiếu trắng, theo hãng thông tấn Yonhap.
Dự luật mở đường cho việc chấm dứt thói quen tiêu thụ thịt chó vốn đã hình thành từ lâu ở HQ. Ngoài ra, đây được xem là một động thái mạnh mẽ của quốc hội HQ, dù những người nuôi chó lấy thịt và kinh doanh thịt chó có phản ứng gay gắt.
Việc ăn thịt chó ở HQ có từ lâu đời
Viện Phúc lợi Động vật ở Washington, D.C. (Mỹ) ước tính rằng người HQ giết 2 triệu con chó mỗi năm để làm thức ăn và ăn khoảng 100.000 tấn thịt chó, theo tờ Deccan Herald.
Tổ chức phi lợi nhuận Viện trợ Quốc tế cho Động vật HQ khẳng định rằng mặc dù có bằng chứng cho thấy việc ăn thịt chó xuất hiện từ lâu, nhưng việc tiêu thụ thịt chó không phải là một truyền thống ăn sâu vào lịch sử, văn hóa HQ.
Tổ chức này cũng tuyên bố rằng ngay cả trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, việc ăn thịt chó cũng không tạo thành phong tục. Theo đó, ở nhiều khu vực khác, người ta xem ăn thịt chó là biện pháp cuối cùng để tránh chết đói.
Ở HQ, trong nhiều thế kỷ qua, việc ăn thịt chó không bị cấm hay bị trừng phạt. Từ lâu, đây được cho là phương pháp giải nhiệt trong những tháng hè oi bức.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn HQ, nước này có khoảng 1.100 trang trại nuôi chó lấy thịt với khoảng 500.000 con chó được nuôi tại các trang trại này.
Việc mua bán thịt chó ở HQ từ lâu đã gây ra làn sóng tranh cãi sôi nổi trong dư luận nước này.
Theo khảo sát vào năm 2020 của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế, khoảng 84% người HQ chưa ăn thịt chó hoặc nói rằng họ sẽ không ăn thịt chó trong tương lai; 59% người ủng hộ cấm ăn thịt chó; và 57% người dân cho rằng việc ăn thịt chó làm hình ảnh HQ xấu đi.
Trước những phản ứng từ người dân, tháng 11-2023, đảng cầm quyền HQ cho biết đang lên kế hoạch thảo luận về lệnh cấm tiêu thụ thịt chó.
“Chúng tôi dự định ban hành đạo luật đặc biệt cấm thịt chó trong năm 2023 để giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt” – một nhà lập pháp thuộc đảng Quyền lực Quốc dân cầm quyền cho biết.
Vào thời điểm đó, nhà lập pháp trên cho biết luật mới dự kiến hỗ trợ đầy đủ cho nông dân, người bán thịt chó và các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật ở HQ ủng hộ bước đi này và bày tỏ mong muốn quốc hội HQ sẽ thông qua dự luật nói trên.
Tuy nhiên, những người kinh doanh thịt chó bày tỏ bất bình trước thông tin này vì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của họ.
Vào tháng 11, sau khi đề xuất cấm thịt chó được đưa ra, khoảng 200 người nuôi chó đã tổ chức biểu tình gần văn phòng tổng thống ở Seoul. Khi ấy, Hiệp hội Nông dân Thịt chó HQ cho biết họ cân nhắc việc thả 2 triệu con chó gần các cơ quan của chính phủ ở Seoul và nhà của các nhà lập pháp.
Bước đi đột phá
Theo dự luật vừa được thông qua, HQ sẽ cấm phân phối và bán các sản phẩm thực phẩm được chế biến từ chó, đồng thời kêu gọi trợ cấp cho những người kinh doanh thịt chó chuyển sang ngành nghề khác.
Theo dự luật, bất kỳ ai giết chó để làm thức ăn có thể bị phạt tới 3 năm tù hoặc bị phạt tiền lên tới 30 triệu won (khoảng 23.000 USD). Bất cứ ai cố ý mua, vận chuyển, tàng trữ hoặc bán thực phẩm làm từ chó cũng sẽ bị phạt.
Dự luật hiện đã được trình lên Tổng thống Yoon Suk Yeol để ký thành luật. Nếu được thông qua, luật này sẽ chính thức được thực thi vào năm 2027.
Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee đã bày tỏ sự ủng hộ với dự luật vừa được thông qua. Bà Kim nói rằng việc cấm thói quen này là lời hứa trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Tổng thống Yoon.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật hoan nghênh lệnh cấm.
Bà Lee Sang Kyung – người phát ngôn một văn phòng của Tổ chức Nhân đạo Quốc tế – cho biết: “Chúng tôi tin rằng lệnh cấm này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong thái độ của HQ đối với việc bảo vệ động vật. Điều này là minh chứng cho quyết tâm của người dân và các chính trị gia yêu động vật của chúng tôi – những người đã nỗ lực đưa ngành công nghiệp lỗi thời này vào quên lãng".
Tuy nhiên, những người nuôi chó lấy thịt bày tỏ sự thất vọng trước việc dự luật được thông qua.
“Đây là một trường hợp rõ ràng về bạo lực nhà nước, vì họ đang xâm phạm quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp của chúng tôi. Chúng tôi không thể ngồi yên” – ông Son Won Hak, một người nuôi chó lấy thịt, cho biết.
Ông Son cho biết những người nuôi chó sẽ nộp đơn kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp HQ và tổ chức biểu tình. Ông cho biết những người nuôi chó sẽ gặp nhau trong ngày 10-1 để thảo luận về vấn đề này.
Tuy nhiên, luật không quy định rõ ràng người nuôi chó lấy thịt và những người khác trong ngành kinh doanh thịt chó sẽ được hỗ trợ như thế nào. Hôm 9-1, Bộ trưởng Nông nghiệp HQ Song Mi Ryung cho biết chính phủ sẽ cố gắng xây dựng các chương trình hỗ trợ hợp lý cho những người bị ảnh hưởng.
Ông Son cho biết nhiều người lớn tuổi làm công việc nuôi chó lấy thịt lâu năm sẵn sàng đóng cửa trang trại nuôi chó của họ nếu được đền bù thỏa đáng, vì dư luận có cái nhìn cực kỳ tiêu cực về công việc của họ.
Trong khi đó, bà Cheon Jin Kyung – người đứng đầu Tổ chức ủng hộ quyền động vật HQ – cho rằng những người nuôi chó lấy thịt đòi bồi thường cao một cách phi thực tế. Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận rằng việc giải quyết vấn đề bồi thường sẽ không dễ dàng.
Hội An là thành phố đầu tiên của Việt Nam cam kết không ăn thịt chó và mèo
Sáng 10-12-2021, UBND TP Hội An (Quảng Nam) tổ chức lễ ký kết trực tuyến với Four Paws – tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu về cam kết không tiêu thụ thịt chó, mèo và hỗ trợ loại trừ bệnh dại.
Thỏa thuận giữa TP Hội An và tổ chức Four Paws nhằm cải thiện phúc lợi vật nuôi thông qua các chương trình tiêm chủng và loại trừ bệnh dại, giúp ngăn chặn bệnh dịch bùng phát.
Thỏa thuận có hiệu lực từ cuối năm 2021 và kéo dài liên tục trong hai năm. TP Hội An là địa phương đầu tiên của Việt Nam có thỏa thuận nhằm mục đích chấm dứt nạn buôn bán thịt chó, mèo.
Thông tin từ Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu (Four Paws) cho biết, ngày 5-12-2023, đơn vị này cùng UBND TP Hội An (Quảng Nam) đóng thành công một cửa hàng chuyên bán thịt chó mèo lâu năm nhất tại phường Cẩm Phô, TP Hội An. Đây là một trong ba cửa hàng bán thịt chó mèo còn lại của TP Hội An.