Tím cả chiều hoang đến phút cuối

Nhân dịp này, tôi tặng gia đình cụ bức tranh chân dung nhà thơ Hữu Loan rút từ bộ sưu tập chân dung văn nghệ sĩ Bản diện Kim cương bất hoại của tôi. Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, người chứng kiến việc chuyển nhượng bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim cho Công ty Cổ phần Công nghệ Việt (Vitek), vai đeo “ba lô con cóc” nặng trịch rượu thịt, khấp khởi đón cuộc hợp tửu với nhà thơ Hữu Loan. Nhưng khi chúng tôi đến nhà thì nhà thơ đã mệt nặng hơn tuần lễ rồi.

Bà Phạm Thị Nhu, vợ nhà thơ tâm sự: “Ông cháu (chỉ nhà thơ Hữu Loan) còn sống thì thu nhập cả nhà được ngót 2 triệu, mỗi tháng mất đứt 500.000 mua thuốc tiểu đường cho tôi, số còn lại cả nhà cũng tạm sống qua ngày. Dưng mà nói dại, nếu ông cháu mất là “họ” cắt hết lương bổng thì tôi chẳng biết còn trông cậy vào đâu! Mang tiếng là đông con, nhiều cháu nhưng đứa nào cũng nghèo xác nghèo xơ…”.

Tím cả chiều hoang đến phút cuối ảnh 1

Chân dung nhà thơ Hữu Loan. Ảnh: Nguyễn Đình Toán (chụp tại Đại hội Nhà văn VN ngày 23-3-1995)

Hôm ấy, thấy chúng tôi về thăm, cụ mừng lắm, như khỏe hơn mọi ngày. Bà Nhu còn nhắc: Ông đọc bài thơ Màu tim hoa sim tặng khách. Ông cười hiền từ, bà đọc thay ông câu mở đầu “Nàng có ba người anh đi bộ đội…”. Thi sĩ Hữu Loan như đắm mình trong hồi tưởng, cụ đọc rành rọt từng từ trọn vẹn bài Màu tím hoa sim nhưng khi “về” đến hai câu cuối, tiếng cụ thều thào như nhòa đi: “Áo anh sứt chỉ đường tà / Vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…”. Mọi người xúc động nghẹn ngào…

Tôi may mắn đã ghi âm lại đầy đủ bài thơ ấy qua giọng của cụ. Rất có thể đấy là lần cuối cùng tác giả đọc Màu tím hoa sim.

Mọi người trong đoàn đều ký lưu bút sau bức tranh chân dung tôi vẽ tặng nhà thơ để làm kỷ niệm. Nhà thơ cười hồn hậu khi Vũ Thanh Nhàn, thành viên nữ duy nhất trong đoàn quàng tấm khăn len màu tím lên vai cụ, cụ nắm chặt tay từng người, ấm áp như không muốn rời xa.

Bà Nhu tiếp rượu chúng tôi tại sân chính, nơi đây đã có những bữa rượu vui. Nhưng lần này sao nặng nề và lo lắng quá vậy! Nhà thơ tuổi đã cao, bệnh lại trầm trọng. Gia cảnh khó khăn túng bấn, đến đường sữa thông thường còn thiếu, đâu dám nghĩ đến thuốc tốt, cao, sâm!

Đời nhà thơ cũng có những lần hạnh ngộ. Nhà thơ Phương Hà (Hội Văn nghệ Đồng Nai) kể: Cách đây 17 năm, khi cụ vào Bà Rịa-Vũng Tàu thăm con trai, Phương Hà cùng một vài anh em văn nghệ sĩ thành phố Biên Hòa tiếp đón cụ rất ân cần và đặc biệt đã giúp cụ tìm lại cô y sĩ người Huế là ân nhân, người phục vụ những năm Bình Trị Thiên khói lửa. Nhà thơ Hữu Loan đọc Màu tím hoa sim có sửa đôi ba chữ ở phần sau để cố tri nghe thay cho lòng cụ. Nghe Hữu Loan kể phần đời sau cuối đoạn về quê Thanh Hóa sinh sống mà ruột gan bà “đau chín chiều”...

Vĩnh biệt tác giả Màu tím hoa sim

Hữu Loan tên thật là Nguyễn Hữu Loan, sinh tại làng Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa.

Ông nổi tiếng với bài thơ Màu tím hoa sim. Ông từ trần vào lúc 19 giờ ngày 18-3-2010, hưởng thọ 95 tuổi.

Từ lúc sinh tiền đến khi ra đi, bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ đã có nhiều cuộc thăm viếng, đón đưa, chia sẻ với người nghệ sĩ tài hoa trắc trở và có nhiều bài viết ký ức sâu đậm với nhà thơ. Trong đó có họa sĩ Đinh Quang Tỉnh, người họa sĩ tài ba đã dày công khắc họa chân dung không ít những văn nghệ sĩ có tên tuổi trong văn đàn Việt Nam. Chúng tôi xin phép họa sĩ đăng bài viết của ông như nén hương muộn đưa tiễn nhà thơ.

Trong những năm 1950, người ta cần nhiều bài thơ hô hào, những tiếng xung phong. Nhưng khi chiến tranh đã đi qua, người ta cần nhìn về nó với cái nhìn nhân bản hơn. Nỗi khổ mà chiến tranh gây ra không phải là nỗi khổ của người lính ra chiến trận mà là sự chờ đợi của những người phụ nữ ở nhà, không biết khi nào chồng, cha, anh, em mình mới trở về. Màu tím hoa simtiếng nói khắc khoải ấy.

Một khi bài thơ này dịch ra tiếng Anh và đem ra với thế giới, người nước ngoài sẽ có một ấn tượng khác hơn về một Việt Nam trong chiến tranh, thổn thức và lắng đọng hơn. Bài thơ là tiếng thở dài, tiếng khóc của một người lính khóc vợ. Người vợ của anh chết trẻ...

Ông Lê Văn Chính, Giám đốc Công ty Vitek VTB (người đã mua tác quyền bài thơ Màu tím hoa simvới giá 100 triệu đồng) trả lời báo chí

Họa sĩ ĐINH QUANG TỈNH

* Tựa của Pháp Luật TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm