Tìm cách đưa cải lương đến gần học sinh

(PLO)- Học sinh được lên sân khấu, mặc đồ và biểu diễn như một nghệ sĩ sẽ giúp các em hiểu thêm về bộ môn này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10, một số trường THPT đã chủ động lồng ghép tìm hiểu cải lương vào hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Cách làm này giúp học sinh (HS) có cơ hội tiếp cận và hiểu thêm về một loại hình nghệ thuật dân tộc.

Học sinh thử sức với các vai diễn cải lương

Sáng 20-2, Trường THCS Nguyễn Du, quận 1 kết hợp với Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long tổ chức chương trình “Du xuân học đường”.

Tại đây, các nghệ sĩ cải lương đã hết mình biểu diễn các trích đoạn như Sở Vân cứu giá, Nữ hùng dựng nước. Sau những tiết mục, HS đều trầm trồ thán phục trước tài năng diễn xuất của các nghệ sĩ.

Học sinh hào hứng hóa thân vào vai diễn cải lương tại chương trình “Du xuân học đường” của Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh hào hứng hóa thân vào vai diễn cải lương tại chương trình “Du xuân học đường” của Trường THPT Nguyễn Du. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Khánh Ngọc, HS lớp 9, chia sẻ đây là lần thứ hai em xem cải lương tại trường. Hiện nay, giới trẻ ít quan tâm đến văn hóa nghệ thuật của dân tộc mà chạy theo những bản nhạc hợp thời trên mạng xã hội.

Mỗi lần được diễn khi khán giả là HS, tôi thấy rất vui và hào hứng mặc dù phải dậy từ sớm. Đây là lần đầu tiên Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long đem những trích đoạn cải lương của cố nghệ sĩ Bạch Mai đã viết gửi đến thầy cô và HS. Đặc biệt mỗi trích đoạn đều mang giá trị giáo dục rất là cao và tinh thần yêu nước.

Nghệ sĩ HOÀNG QUỐC THANH, Đoàn cải lương tuồng cổ
Huỳnh Long

“Do đó, để tụi em hiểu biết về cải lương cũng như những loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nhà trường cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề cũng như đầu tư mời các đoàn về biểu diễn” - Khánh Ngọc bày tỏ.

Không chỉ xem biểu diễn, HS còn được mặc y phục, trực tiếp hóa thân vào các nhân vật tuồng cổ như một nghệ sĩ thực thụ trước mặt bạn bè và thầy cô.

“Khi khoác lên mình bộ trang phục này, em mới hiểu được sự khó khăn cũng như nỗi vất vả của người nghệ sĩ. Bởi trang phục có rất nhiều lớp, chất liệu vải bóng, khó thoát mồ hôi. Hơn nữa, để có thể diễn xuất thành thạo những động tác trên sân khấu, nghệ sĩ đã phải lao động rất miệt mài. Bản thân em chỉ tập vài động tác đơn giản nhưng mãi vẫn không thể nhuần nhuyễn” - Nguyễn Bảo Ngọc, HS lớp 6, nói thêm.

Trước đó, Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng từng phối hợp với Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 và Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh tổ chức chương trình trên.

Lần đầu tiên trực tiếp xem nghệ sĩ biểu diễn, được mặc trang phục, hướng dẫn vũ đạo và lên sân khấu trình diễn, em Hồ Tấn Phong, HS Trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, bày tỏ vô cùng vui sướng.

“Các hoạt động này không chỉ giúp chúng em hiểu thêm về văn hóa truyền thống mà còn định hướng nghề nghiệp hiệu quả hơn” - Tấn Phong bộc bạch.

Lồng ghép vào chương trình giáo dục phổ thông 2018

Chia sẻ về việc thực hiện chương trình trên, bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cho hay trường tổ chức hoạt động này giúp HS tìm hiểu các di sản văn hóa dân tộc như là hát bội, cải lương theo chỉ đạo của UBND quận 1… Qua đó, giới thiệu cho các em nét đẹp của những môn nghệ thuật trên.

Ông Tô Lâm Viễn Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, cho hay nhà trường luôn chú trọng tổ chức cho HS tìm hiểu về nghệ thuật dân tộc. Một năm trường thực hiện hai lần. Nếu trước đây những hoạt động này thuộc về hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp thì ngày nay nó là một nội dung trong hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cách làm này khiến việc triển khai chương trình giáo dục mới có hiệu quả hơn.

“Đây là cơ hội để các em trải nghiệm về văn hóa của dân tộc, từ đó biết thêm về những loại hình nghệ thuật. Ngoài ra, thay vì học trên sách vở, với chương trình này, HS sẽ có những trải nghiệm thực tế. HS được lên sân khấu, mặc đồ và biểu diễn như một nghệ sĩ sẽ giúp các em hiểu thêm về bộ môn này” - ông Khoa nói.

Học sinh TP.HCM tìm giải pháp bảo tồn nghệ thuật cải lương

Tại vòng chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp TP, hai em Đoàn Kim Ngân và Phan Tại Khang, HS Trường THPT Trần Khai Nguyên, đã thực hiện đề tài “Thái độ của HS THPT tại TP.HCM ngày nay về nghệ thuật cải lương và giải pháp bảo tồn, quảng bá cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ”.

Kim Ngân cho biết mình rất yêu thích cải lương. Hiện nay, thị hiếu của các bạn trẻ khi lựa chọn loài hình nghệ thuật giải trí đều xa rời nghệ thuật truyền thống. Vì không muốn cải lương bị mai một em đã nghiên cứu đề tài này để bảo tồn và phát triển nó. Hai bạn HS đã thực hiện sáng tác kịch bản cải lương thông qua chuyển thể các tác phẩm văn học.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá rất cao đề tài này vì các em đã dành thời gian nghiên cứu, đầu tư nghiên cứu về nghệ thuật văn hóa dân gian. Theo ông, đưa nghệ thuật cải lương đến với trường học vẫn còn hạn chế và ít đầu tư nghiên cứu. Cho nên sự quan tâm của các em đến lĩnh vực này rất đáng quý và cần phải được phát huy trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm