Đại sứ quán Nga tại Afghanistan xác nhận với hãng tin RT (Nga) rằng một người tự nhận là một phi công Liên Xô đã được tìm thấy nhưng thông tin về ông chưa được cung cấp.
"Thật đáng kinh ngạc nhưng ông ấy vẫn còn sống và cần được giúp đỡ" - người đứng đầu Hiệp hội lính nhảy dù Nga Valery Vostrotin nói với RIA Novosti hôm 1-6.
Các phi công Xô Viết tại căn cứ Bagram ở Afghanistan hồi 1-1-1989. Ảnh: SPUTNIK
Theo một nhóm cựu binh, trước đó phi công này được cho là đã thiệt mạng sau khi chiếc máy bay của ông bị bắn hạ trong chiến dịch quân sự của Liên Xô tại Afghanistan.
Vostrotin, người đứng đầu của phía Nga trong ủy ban hỗn hợp Nga-Mỹ về tù nhân và binh sĩ mất tích, từ chối nêu tên phi công vì lý do bảo mật. Ông Vostrotin nói: “Không chỉ hỗ trợ tài chính mà còn cần tới sự giúp đỡ của các cơ quan hành chính và tổ chức phi chính phủ cũng như các hoạt động ngoại giao để đưa người đàn ông này trở về Nga”.
Người đứng đầu tổ chức cựu chiến binh Battle Brotherhood - Vyacheslav Kalinin cho biết phi công này đã hơn 60 tuổi, có thể đang ở Pakistan, nơi Afghanistan có các trại tù nhân chiến tranh và cho biết rất muốn được trở về nhà.
Theo tờ Komsomolskaya Pravda, phi công mất tích là Trung úy Sergey Pantelyuk, đến từ Rostov, miền Nam nước Nga, sau khi thực hiện một nhiệm vụ tác chiến năm 1987 thì không thấy trở về. Phi công này mất tích sau khi chiếc máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Bagram, hiện là căn cứ không quân của Mỹ, ở phía Bắc thủ đô Kabul của Afghanistan.
Con gái của ông Pantelyuk là Larisa nói rằng việc cha cô mất tích đã gây ra cú sốc lớn cho mẹ cô. “Tóc mẹ tôi đã bạc khi bà biết hung tin cha tôi mất tích ở Afghanistan. Bà không đi bước nữa và cứ thế chờ đợi ông ấy”.
Larisa, hiện 31 tuổi, vẫn còn là đứa trẻ khi chiếc tiêm kích Su-17 của cha cô bị trúng tên lửa ở tỉnh Kunar, Afghanistan, theo lực lượng chính phủ Afghanistan. Lực lượng Xô Viết đã nỗ lực tìm kiếm nhưng không mang lại kết quả, cả phi công lẫn chiếc máy bay đều không được tìm thấy.
Cô Larisa kể, trong suốt một thời gian dài số phận của phi công Pantelyuk mặc nhiên trở thành điều cấm kỵ trong gia đình, không ai được phép nhắc tới sự mất tích của cha cô. Cô nói: “Mẹ tôi chỉ được phép nói về cha sau khi tôi lên 16 tuổi”.
Larisa hiện sống ở thị trấn Bataysk ở vùng Rostov, miền Nam nước Nga. Ông Pantelyuk được điều tới Afghanistan - nơi Liên Xô chống quân nổi dậy từ 1979-1989. Larisa nói ba đài tưởng niệm cha cô đã được dựng lên ở vùng Rostov và một cái ở tỉnh Kunar, Afghanistan.
Theo RIA Novosti, 125 máy bay Liên Xô đã bị bắn hạ ở Afghanistan trong suốt cuộc chiến những năm 1979-1989. Khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, khoảng 300 binh sĩ bị liệt vào danh sách mất tích. Kể từ đó đến nay, 30 người đã được tìm thấy và hầu hết đã về nước.