Tỉnh Bình Thuận chỉ có 1 giáo viên dạy âm nhạc bậc THPT

(PLO)- Các trường THPT công lập tại Bình Thuận đều chưa có giáo viên (GV) âm nhạc và mỹ thuật, trừ Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có 1 GV âm nhạc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình trạng thiếu GV khi thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông mới tại bậc THPT đã được ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận chia sẻ tại hội thảo sáng nay.

Một tỉnh chỉ có 1 giáo viên dạy âm nhạc bậc THPT

Ông Phan Đoàn Thái, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sáng 8-4, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các trường THPT.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, khi thực hiện chương trình mới, bên cạnh những thuận lợi vẫn còn các khó khăn trong quá trình triển khai.

“Vì chương trình mới nên có những bất cập mà giáo viên đôi khi chưa biết làm sao để tối ưu do chưa có kinh nghiệm” - ông Thái bày tỏ.

Tỉnh Bình Thuận có 28 trường THPT, trong đó 26 trường công lập. Khó khăn lớn nhất hiện nay là các trường đều chưa có GV âm nhạc và mỹ thuật (rêng Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo có 1 GV âm nhạc). Vì thế năm học 2022-2023, môn âm nhạc chưa được triển khai tại các trường.

Hiện nay, trong quá trình đi tư vấn tuyển sinh, Sở GD&ĐT luôn khuyến khích học sinh thi vào ngành sư phạm, sau này phục vụ quê nhà nếu các em có đam mê.

Ông Thái chia sẻ thêm, nhiều năm trở lại đây ngành GD&ĐT không tuyển dụng GV. Lý do, năm 2015 tỉnh dư hơn 300 GV nên Sở Nội vụ không cho phép tuyển mới, mà yêu cầu điều chuyển từ nơi thừa qua nơi thiếu.

"Sau 8 năm, đến nay Sở GD&ĐT đã giải quyết xong số dôi dư. Cụ thể, một phần nghỉ việc, phần về hưu, phần chuyển công tác. Chuẩn bị cho năm học 2023-2024, Sở sẽ tuyển GV nhằm đáp ứng triển khai chương trình mới"- ông Thái bày tỏ,

Một vấn đề khác được ông Thái đề cập là đội ngũ GV chưa đồng đều về cơ cấu bộ môn. GV được phân công dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương gặp nhiều khó khăn do chỉ được đào tạo chuyên ngành, phải kiêm nhiệm khi chưa được đào tạo bài bản.

Bên cạnh đó, chương trình mới yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng kiểm tra đánh giá. Vì vậy, việc đổi mới dạy học, đặc biệt cách tổ chức lớp học để phát huy năng lực phẩm chất của học sinh là thách thức không nhỏ của các GV, đặc biệt là người lớn tuổi.

Bà Phạm Thị Bé Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, quận 5, TP.HCM cũng cho biết, trường khó tuyển GV các môn âm nhạc, mỹ thuật cho những năm tiếp theo mặc dù được phân cấp tuyển dụng.

Năm học 2022-2023, chương trình mới được thực hiện với lớp 10 ở bậc THPT. Chương trình bao gồm tám môn học cùng hoạt động giáo dục bắt buộc và chín môn lựa chọn. Trong chín môn lựa chọn gồm địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lý, hóa học, sinh học, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, học sinh chỉ được chọn học bốn môn bất kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay do không có GV âm nhạc, mỹ thuật nên đa số trường đều không triển khai 2 môn này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm