Tính cả lãi để xác định tiền chiếm đoạt

Bà Ngô Minh Chiến (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước) vẫn đang miệt mài khiếu nại rằng mình bị CQĐT, VKS hình sự hóa quan hệ dân sự. Bà Chiến còn phản ánh mới đây CQĐT kết luận số tiền bà chiếm đoạt lên đến 5,2 tỉ đồng nhưng trong đó có 2,3 tỉ đồng là... tiền lãi.

Cộng tiền chốt nợ và lãi để tính ra tiền chiếm đoạt

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, tháng 7-2010, bà Chiến ký hợp đồng vay của ông NVT 9 tỉ đồng với lãi suất 2%/tháng. Tháng 4-2012, hai bên chốt lại số nợ còn 2,9 tỉ đồng (gồm 2,5 tỉ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi). Sau đó bà Chiến không trả được nợ nên tháng 11-2013, ông T. đã làm đơn tố cáo bà Chiến chiếm đoạt của ông 2,9 tỉ đồng.

Bị Công an tỉnh Bình Phước triệu tập lên làm việc, bà Chiến thừa nhận món nợ, khẳng định việc vay mượn này là quan hệ dân sự, không có sự gian dối và bà không hề có ý định bỏ trốn để né tránh việc trả nợ. Nhưng một năm sau (tháng 11-2014), Công an tỉnh Bình Phước vẫn khởi tố, bắt tạm giam bà Chiến về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản vì cho rằng bà đã lợi dụng chức vụ cán bộ thanh tra Sở Y tế để chiếm đoạt 2,9 tỉ đồng của ông T. Chỉ đến khi phát hiện bà Chiến có thai (tháng 12-2014), CQĐT mới cho bà tại ngoại.

Điều rất lạ là trong kết luận điều tra mới đây, CQĐT đã xác định con số bà Chiến chiếm đoạt lên đến 5,2 tỉ đồng chứ không chỉ là 2,9 tỉ đồng như tố cáo của ông T. Cụ thể, số tiền này được CQĐT cộng từ số tiền 2,9 tỉ đồng bà Chiến còn nợ ông T. (theo thỏa thuận chốt nợ giữa hai bên) với số tiền lãi tính từ lúc bà vay ông T. 9 tỉ đồng ban đầu (ngày 13-7-2010) cho đến lúc ông T. tố cáo (ngày 28-11-2013).

Theo đó, CQĐT tính tiền lãi theo bốn giai đoạn với tổng cộng tiền lãi là 2,3 tỉ đồng (mức lãi suất 2%/tháng).

 
Bà Ngô Minh Chiến, người đang kêu oan với lý do CQĐT tính tiền chiếm đoạt sai. Ảnh: H.YẾN

Chỉ được tính tiền vốn, tiền gốc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia rất ngạc nhiên trước việc CQĐT tính cả lãi vào số tiền chiếm đoạt bởi theo họ, xưa nay trong thực tiễn tố tụng, cơ quan tố tụng chỉ tính tiền chiếm đoạt là tiền vốn (hay tiền gốc).

Nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Phạm Công Hùng cho biết việc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong nhóm tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) có ý nghĩa cực kỳ quan trọng vì nó là định lượng để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự hay định khung hình phạt đối với nghi can. Ông Hùng khẳng định trong tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, nếu tài sản bị chiếm đoạt là tiền thì phải xác định số tiền nghi can chiếm đoạt là tiền vốn (hay tiền gốc). Bởi lẽ tội phạm hoàn thành ngay khi người phạm tội lấy được số tiền vốn (tiền gốc) đó từ nạn nhân.

Đồng tình, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM Vũ Lai Bằng nhận xét: “Nếu tính cả lãi vào số tiền chiếm đoạt thì sẽ có những trường hợp giá trị chiếm đoạt ban đầu chỉ như “con kiến”, về sau lại bị tính thành “con voi””.

Cả ông Hùng và ông Bằng đều cho biết không hề có quy định nào trong BLHS và các văn bản hướng dẫn cho phép cơ quan tố tụng tính số tiền chiếm đoạt bằng cách cộng tiền gốc và tiền lãi trong các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm... để làm nặng thêm tình trạng pháp lý của nghi can. Thực tiễn xét xử từ trước đến nay cũng vậy nên việc làm của CQĐT trong trường hợp này là “hết sức nguy hiểm”.

Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cũng khẳng định: “Không thể tính cộng lãi với phần tiền gốc để định lượng giá trị tài sản bị chiếm đoạt trong các tội lừa đảo, lạm dụng chiếm đoạt tài sản... Theo lý luận về hình sự, giá trị chiếm đoạt chính là giá trị tài sản gốc mà nghi can đã lấy”.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Việc CQĐT tính lãi vào số tiền chiếm đoạt là tùy tiện, không có căn cứ pháp lý, gây thiệt thòi, bất công đối với bà Chiến”.

Tính lãi để buộc bồi thường cũng không được?

Năm 2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM từng sửa phần dân sự trong một bản án hình sự sơ thẩm với lý do không có quy định nào cho phép tính lãi trên số tiền lừa đảo.

Cụ thể, tháng 9-2007, Bùi Trọng Phước, Nguyễn Thị Trúc Ly, Hoàng Anh Tùng vào công ty chủ quản cũ tại TP.HCM lấy ba tờ ủy nhiệm chi trị giá hơn 3,6 tỉ đồng (đã ký sẵn) rồi cầm đến Chi nhánh Ngân hàng B. (nơi công ty cũ có tài khoản) rút tiền chia nhau.

CQĐT Công an TP.HCM xác định Phước, Ly, Tùng đã dùng ba tờ ủy nhiệm chi lừa ngân hàng nên khởi tố họ về tội lừa đảo. Xử sơ thẩm, ngoài việc phạt tù các bị cáo, TAND TP.HCM còn buộc họ phải liên đới bồi thường cho ngân hàng hơn 3,6 tỉ đồng và 600 triệu đồng tiền lãi (tòa tính lãi từ tháng 9-2007 đến ngày xử sơ thẩm theo lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước thời điểm đó).

Không đồng tình với phán quyết của tòa sơ thẩm về phần tính lãi, ba bị cáo kháng cáo và được tòa phúc thẩm chấp nhận. Theo tòa phúc thẩm, pháp luật không quy định và trong thực tiễn xét xử hình sự, ngành tòa án cũng không tính lãi đối với số tiền chiếm đoạt như trường hợp trên. Việc tòa sơ thẩm tự tính lãi trên số tiền chiếm đoạt là gây thiệt thòi cho các bị cáo.

Không được làm bất lợi cho nghi can

Đối với các tội như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì định lượng số tiền chiếm đoạt là xác định trên giá trị thực tế bị chiếm đoạt. Chẳng hạn vay 5 tỉ đồng, dù có thỏa thuận lãi thì giá trị thực tế bị chiếm đoạt nếu có yếu tố cấu thành tội phạm cũng chỉ là 5 tỉ đồng. Lãi suất chỉ tính trong giai đoạn thi hành án, sau khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực buộc bị cáo phải bồi thường. Phải hiểu như vậy để không làm trái nguyên tắc áp dụng có lợi cho nghi can trong trường hợp không có quy định và tránh trường hợp nạn nhân để lâu mới đi tố cáo, làm nặng thêm tình trạng pháp lý của nghi can.

Luật sư NGUYỄN HỮU THẾ TRẠCH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều