Tính chuyện giam riêng người chuyển giới

Theo ông Huỳnh Thành Lập (Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM), luật này rất quan trọng vì liên quan đến quyền tự do, dân chủ của người dân.

Hạn chế bức cung, dùng nhục hình

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất rằng có luật điều chỉnh thì sẽ bảo đảm các quy định về tạm giữ, tạm giam phù hợp nguyên tắc quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật, đồng thời khắc phục tình trạng chết, bức cung, dùng nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Thượng tá Lê Tấn Thành (Phó Trưởng phòng Điều tra hình sự Quân khu 7) góp ý: “Hiến pháp đã quy định quyền của con người, còn trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam quyền đó được thực hiện thế nào thì thực sự khó. Tạm giữ, tạm giam là một biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tiến hành tố tụng. Công dân được quyền đi lại, làm việc, học tập, bầu cử, ứng cử, biểu tình…, còn khi bị tạm giam, tạm giữ thì những quyền này không thể thực hiện được. Vì vậy, ngoài những quyền bị hạn chế còn lại phải bảo đảm những quyền như quyền được sống, quyền được bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tôn trọng danh dự, nhân phẩm”.

Theo ông Thành, quyền khiếu nại tố cáo những hành vi vi phạm trong nhà tạm giữ, tạm giam theo Điều 9 dự thảo (về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam) rất khó thực hiện đối với người bị tạm giữ vì tối đa chỉ có chín ngày bị tạm giữ.

PGS-TS Phạm Quang Phúc (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Cảnh sát nhân dân) băn khoăn về quy định người bị tạm giữ, tạm giam được quyền gặp thân nhân và người khác. Ông Phúc đề nghị giải thích rõ “người khác” là ai. “Theo tôi biết người bị tạm giữ, tạm giam có khi có mối quan hệ với rất nhiều băng nhóm tội phạm chưa bị bắt. Các đối tượng này có thể lợi dụng luật cho phép thăm gặp để vào hứa hẹn, chiêu dụ. Nếu không nắm được rõ quan hệ thì khó cho việc điều tra vụ án. Do vậy quy định họ được gặp thân nhân là đủ” - ông Phúc đề xuất.

Có luật tạm giam, tạm giữ sẽ hạn chế bức cung, nhục hình. Ảnh: HTD

Quản lý tạm giữ, tạm giam: Độc lập với CQĐT

Về hệ thống tổ chức cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam (Điều 10, Điều 12 dự thảo), nhiều ý kiến đề nghị giao các trại tạm giam thuộc Bộ Công an về cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an quản lý; đồng thời bảo đảm tính độc lập hơn của nhà tạm giữ, trại tạm giam với cơ quan điều tra (CQĐT) các cấp.

Luật sư Nguyễn Văn Hồng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đề nghị cần tổ chức lại hệ thống nhà tạm giữ, trại tạm giam theo mô hình dọc do Bộ Công an quản lý để bảo đảm tính độc lập, tránh việc CQĐT lạm dụng bức cung, dùng nhục hình.

“Hiện có bốn trại tạm giam thuộc Bộ Công an vẫn đang do cơ quan CSĐT thuộc Tổng cục Cảnh sát và Cơ quan An ninh điều tra thuộc Tổng cục An ninh, Bộ Công an quản lý. Tôi cho rằng như vậy là chưa phù hợp vì cần phải tách hoạt động tạm giữ, tạm giam độc lập với hoạt động điều tra và đề nghị cần giao cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự của Bộ Công an quản lý để bảo đảm hoạt động độc lập với CQĐT nhằm chống lạm dụng bức cung, dùng nhục hình” - luật sư Hồng nói.

Hết hạn tạm giữ, phải thả ngay?

Trung tá Lê Văn Ly (Đội trưởng đội Thi hành án hình sự Công an quận 8) đề nghị nên có quy định về việc xác nhận và giam riêng người chuyển giới, người có dấu hiệu chuyển giới. Theo ông, việc phân loại bố trí giam giữ người chuyển giới rất khó khăn bởi không cơ quan nào xác nhận họ đã chuyển giới, hỏi ý kiến thì bó tay, đề nghị lên cấp trên cũng không có văn bản hướng dẫn. “Giam họ riêng thì không dám vì sợ ảnh hưởng tâm lý. Do đó, chúng tôi chọn cách nếu từ nam chuyển sang nữ thì giam chung với hai phụ nữ già, phân công hai anh em giám sát”.

Về ý kiến đề nghị cứ hết hạn là thả tự do ngay cho người bị tạm giữ, ông Lê Thanh Tòng (Phó Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh) và ông Lê Nhật Bình (Phó Viện trưởng VKSND quận Tân Phú) đều không đồng tình. Theo hai ông, nếu cứ đến hạn là thả ngay thì sẽ dẫn đến rối đội ngũ, khó thực hiện. Tuy nhiên, ý kiến này đã không nhận được sự đồng tình từ các đại biểu khác.

Có quyền khởi kiện hành chính?

Có ý kiến đề nghị quy định vấn đề khởi kiện quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam để bảo đảm quyền con người.

Tuy nhiên, ông Lê Nhật Bình (Phó Viện trưởng VKSND quận Tân Phú) không tán thành với đề xuất này. Ông Bình cho rằng quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam là hoạt động trong giai đoạn tố tụng hình sự nên việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được giao cho VKS là phù hợp. “Luật Tổ chức VKSND và BLTTHS đều quy định thẩm quyền của VKS giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam. Như vậy khiếu nại, tố cáo về thi hành tạm giữ, tạm giam là khiếu nại về tư pháp, không phải là khiếu nại về quyết định hành chính, hành vi hành chính. Mặt khác, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác tạm giữ, tạm giam theo yêu cầu cần phải thực hiện khẩn trương nhằm phục vụ kịp thời cho hoạt động điều tra, khám phá tội phạm và luôn phải được kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật để bảo đảm quyền con người, quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam” - ông Bình nói.

Để cơ quan thụ lý giải quyết thăm nuôi?

Theo tôi, không nên quy định giao nhà tạm giữ hoặc cơ quan quản lý người tạm giữ quyết định số lần thăm gặp vì dễ bị lạm dụng. Cần để cơ quan thụ lý vụ án là cơ quan được quyền cho thăm gặp. Bởi có trường hợp bị can, bị cáo phản cung, có đồng phạm chưa bị bắt, cần áp dụng biện pháp nghiệp vụ… thì chỉ cơ quan đang thụ lý giải quyết vụ án là cơ quan hiểu rõ nhất nên để họ quyết việc cho thăm gặp là phù hợp.

Ông LÊ NHẬT BÌNH, Phó Viện trưởng VKSND quận Tân Phú

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều