Người ta muốn bán được hàng càng nhiều càng tốt, đằng này chị chủ quán cứ mỗi khi khách gọi nhiều đồ ăn là bà “phanh” lại: "Anh ăn từng này thôi, gọi thêm lại thừa như hôm trước đấy... Làm nửa con gà là được rồi, ăn chi cả con cho ngán".
Còn với đám sinh viên thì chị luôn niềm nở, có hôm chị gắp thêm cho cậu sinh viên trẻ tuổi quả trứng bảo: "Ăn đi, sắp thi rồi còn gì". Hôm lại tiện tay gắp thêm cho cô sinh viên mấy đũa rau dặn: "Con gái thì ăn rau cho nhiều vào mới đẹp da".
Không những giá cả phải chăng mà quán còn rất sạch sẽ và nấu ăn ngon. Thành thử ra không chỉ là nơi thường xuyên ghé lại của những người thu nhập thấp mà cả những người công chức, y bác sĩ ở bệnh viện gần đó cũng là khách quen của
quán chị.
Đầu tháng trước, quán xảy ra một việc lạ, xuất hiện thêm một bà cụ rất già, tóc đã bạc, lưng đã còng. Cụ thường ngồi một góc trong bếp, mỗi khi có khách vừa ngồi vào bàn là cụ nhanh nhảu bê canh và nước chấm ra. Nhiều người thấy tội nghiệp, có người cũng vồn vã đến đỡ cho cụ. Chị chủ quán cũng có lúc nói như mắng: "Đã bảo bà ngồi một chỗ rồi, đi vấp ngã thì sao".
Ai cũng thắc mắc bà cụ là ai nhưng cũng không ai dám hỏi. Chẳng biết từ đâu người ta nói cụ chính là mẹ đẻ của chị. Từ đó tiếng dè bỉu nhiều lên: Con cái gì mà cụ từng đó tuổi cũng bắt ra bê đồ phục vụ khách nước.
Khách trong quán thưa dần. Qua lời một số khách quen, chị mường tượng ra được vấn đề. Chị bảo chị có điều khó nói nhưng chẳng lẽ bây giờ khách nào vào cũng đi giải thích cho từng người biết chuyện.
Chị gặp bà cụ hôm đi chợ mua đồ nấu cơm trưa. Bà đang còng lưng đẩy nước cho mấy quán bún phở trong chợ. Hỏi ra chị mới biết bà cụ là người vô gia cư, người trong chợ cưu mang cho cụ cái nghề để sống qua ngày. Khổ là cho không thì cụ không nhận, cụ phải làm mới chịu.
Chị Tâm mẹ mất sớm, nhìn dáng bà cụ chị lại nhớ đến mẹ mình. Thế là ngay hôm đó chị đón cụ về để chăm sóc. Bảo cụ ngồi một chỗ thì cụ không chịu cho. Cứ hễ khách đến là cụ lại đứng dậy, lom khom đến bưng đồ cho khách. Nhiều khi cáu quá, chị cứ phải nặng lời với cụ. Nhưng ai quan sát kỹ sẽ thấy có hôm lúc thưa khách, chị chủ quán chọn lấy miếng thịt ngon, mềm đến ép cụ ăn. Có lẽ nhìn hình ảnh đó người ta rỉ tai nhau rằng cụ là mẹ đẻ của chị chủ quán.
Trưa nay, khách lại thưa. Chị Tâm thở dài: "Không sao, vì duyên cả mà!" .
Tôi tin giữa chị và bà cụ là duyên lành, tin chị đang làm điều đúng. Mà cái đúng thì luôn được ủng hộ. Biết đâu đấy, nay mai khi mọi người hiểu ra chuyện, quán chị lại rôm rả như trước cũng nên.