Tòa buộc xin lỗi, thực hiện ra sao?

Bị vu làm giả hồ sơ thương binh

Trước đây, tháng 2-2011, ông VNC (79 tuổi) đã khởi kiện ông TVN ra TAND quận 1 (nơi ông N. cư trú), yêu cầu tòa buộc ông N. phải xin lỗi công khai và bồi thường tổn thất tinh thần 1 triệu đồng.

Trong đơn kiện, ông C. trình bày rằng từ tháng 11-1954 đến tháng 9-1957, ông đã tham gia cách mạng, làm công tác bí mật tại xã Tân Thanh, Giồng Trôm (Bến Tre) và có liên lạc với ông N., một người cũng tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1957, hai bên bị mất liên lạc. Năm 1961, ngụy quyền xã tình nghi, bắt ông C. tra tấn dã man nhưng không thu thập được chứng cứ gì nên thả về. Từ đó, ông C. phải bỏ Bến Tre về lánh nạn ở Biên Hòa (Đồng Nai) và làm ăn sinh sống cho đến nay.

Thời gian này, ông C. vẫn bí mật liên lạc với cách mạng đến ngày giải phóng. Đặc biệt, trong thời gian em gái của ông N. hoạt động cách mạng bị bắt, bị tù đày từ năm 1972 đến 1973, ông vẫn tìm cách nuôi dưỡng, giúp đỡ. Sự việc đã được ông N. ký xác nhận vào năm 1976 khi ông N. đang làm trong Ban Phụ trách Phòng An toàn xã hội của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

Tòa buộc xin lỗi, thực hiện ra sao? ảnh 1

Ông C. không ngờ là vào tháng 7-2007, ông N. lại gửi đơn cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai đề nghị điều tra, xác minh lại việc cấp thẻ thương binh cho ông. Ngoài ra, ông N. còn yêu cầu sau khi giải quyết, sở này phải thông báo bằng văn bản đến Sở LĐ-TB&XH của tỉnh Bến Tre cùng các ban, ngành tại đây. Ông C. cho rằng việc làm của ông N. đã xâm phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của ông nên khởi kiện.

Giải quyết vụ kiện, TAND quận 1 đã nhiều lần triệu tập hợp lệ nhưng ông N. vẫn không đến nên phải mở phiên xử vắng mặt bị đơn hồi tháng 8-2011. Tòa nhận định việc ông N. tố cáo ông C. làm hồ sơ thương binh giả là không có căn cứ, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự của ông C. nên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông C.

Sau đó ông N. kháng cáo, cho rằng việc ông C. “khai man, cậy nhờ người làm chứng để hưởng chế độ thương binh” là có thật. Dù hiện tại ông chưa có chứng cứ gì nhưng ông cũng không đồng ý với phán quyết sơ thẩm.

Tháng 10-2011, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã bác kháng cáo của ông N. bởi ông không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Tòa y án sơ thẩm, buộc ông N. phải xin lỗi công khai và bồi thường ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Cá nhân xin lỗi công khai như thế nào?

Vụ kiện nhỏ này đã khép lại nhưng quá trình THA lại không hề đơn giản.

Ông Nguyễn Thanh Hà (Phó Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự quận 1) cho biết sau khi phía ông C. có đơn đề nghị, chấp hành viên đã tống đạt quyết định THA cho ông N. (ông N. đi vắng nên vợ ông nhận thay). Do ông N. không tự nguyện thi hành nên chấp hành viên xác minh điều kiện THA, được biết mỗi tháng ông N. lãnh lương hưu trí khoảng 4,5 triệu đồng. Vì vậy, cuối tháng 5-2012, Chi cục THA đã ra quyết định cưỡng chế bằng cách trừ vào tiền lương của ông N. Quyết định này đã được chi cục tống đạt cho UBND phường, cơ quan bảo hiểm xã hội và ông N. (con ông N. nhận thay). Hiện số tiền lương trừ chưa được phía cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển qua cho chi cục để thực hiện giai đoạn tiếp theo.

Phần còn lại làm cơ quan THA “nhức đầu” nhất chính là việc xin lỗi công khai. Bản án buộc ông N. xin lỗi công khai nhưng hình thức xin lỗi cụ thể như thế nào thì không rõ, pháp luật lại thiếu quy định điều chỉnh nên cơ quan THA chưa thể thực hiện.

Chẳng hạn, ông N. phải xin lỗi công khai ông C. trực tiếp hay đăng báo? Nếu xin lỗi trực tiếp thì tại đâu, tại tòa, tại cơ quan THA, tại UBND phường hay tại tổ dân phố? Buổi xin lỗi này gồm có những ai tham gia, chứng kiến? Nếu đăng báo thì đăng trên những báo nào, mấy kỳ? Nếu ông N. không hợp tác thì xử lý sao để bản án được thi hành? Cơ quan THA có được tự đăng báo lời xin lỗi của ông N. rồi bắt ông này phải chịu chi phí đăng báo?

Theo ông Hà, trước mắt cơ quan THA sẽ cố gắng đôn đốc phía bảo hiểm xã hội chuyển tiền lương bị trừ của ông N. sớm, đồng thời mời các bên lên làm việc để tìm biện pháp giải quyết tiếp theo về chuyện xin lỗi công khai. Có thể cơ quan THA sẽ làm văn bản hỏi lại tòa. Nếu tòa không giải thích gì thêm, cơ quan THA sẽ xin ý kiến của cơ quan cấp trên để có hướng giải quyết dứt điểm vụ việc.

Góc nhìn pháp lý

Cần có hướng dẫn

Hiện việc xin lỗi công khai giữa cá nhân với nhau được thực hiện ra sao thì chưa có quy định điều chỉnh. Trong khi đó, xã hội ngày càng văn minh, quyền con người ngày càng được tôn trọng thì ngày càng có nhiều vụ người dân kéo nhau ra tòa khi uy tín, danh dự bị xâm phạm. Vì vậy, rất cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Trở lại vụ THA, tôi băn khoăn về hướng giải quyết là cơ quan THA tự đăng báo xin lỗi thay rồi buộc ông N. chịu chi phí. Làm vậy không ổn bởi ông C.- người được xin lỗi sẽ cảm thấy ấm ức. Theo tôi, Điều 43 Luật THA dân sự có quy định việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu. Vì vậy, nếu ông N. không chịu xin lỗi, ông C. có quyền yêu cầu cơ quan THA thông báo trên phương tiện truyền thông là buộc ông N. phải thực hiện đúng phán quyết của tòa. Đây là điểm mới của luật, có thể hỗ trợ cho cơ quan THA để buộc ông N. tiến hành việc xin lỗi công khai. Cách làm này sẽ khiến ông C. cảm thấy thoải mái hơn.

Luật gia ĐẶNG ĐÌNH THỊNH, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia Việt Nam

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm