Tòa phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan nhưng vẫn xem xét các tình tiết để giảm hình phạt cho bị cáo. Điều này đã gây nhiều tranh cãi, có ý kiến cho rằng nếu bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan mà tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo thì phải y án sơ thẩm.
Trước hết, cần khẳng định rằng không có quy định nào của BLTTHS cấm tòa phúc thẩm giảm hình phạt cho bị cáo chỉ kháng cáo kêu oan nếu việc giảm hình phạt đó có căn cứ. Ngay cả trường hợp vụ án có kháng cáo, kháng nghị theo hướng chuyển tội danh nặng hơn, tăng hình phạt đối với bị cáo hoặc kháng cáo, kháng nghị theo hướng “bất lợi” cho bị cáo thì tòa phúc thẩm vẫn có quyền giảm hình phạt hoặc chuyển tội danh nhẹ hơn cho bị cáo; giảm mức bồi thường; không tịch thu vật chứng; giảm án phí…
Tuy nhiên, tòa phúc thẩm phải tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt trong phần “xét thấy” của bản án và phần quyết định phải viết cho đúng.
Cụ thể, theo điểm a khoản 2 Điều 248 BLTTHS, tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải giữ nguyên bản án sơ thẩm. Các điểm c, d khoản 2 Điều 248 BLTTHS cũng quy định tương tự.
Điều 248 BLTTHS là điều luật quy định về “thẩm quyền” của tòa phúc thẩm và điều luật này cũng đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn cách viết bản án phúc thẩm như thế nào.
Theo đó, Điều 248 BLTTHS quy định thẩm quyền cho tòa phúc thẩm khi xét xử vụ án hình sự nhưng không vì thế mà cho rằng đã không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải giữ nguyên bản án sơ thẩm. tùy trường hợp cụ thể, tòa phúc thẩm có thể giữ nguyên toàn bộ, một phần hoặc sửa, hủy toàn bộ hoặc một phần bản án sơ thẩm. Ví dụ: Giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm về tội danh và điều luật áp dụng nhưng lại sửa phần hình phạt hoặc phần trách nhiệm dân sự.
Cần lưu ý rằng “quyết định” của bản án và “thẩm quyền của tòa phúc thẩm” là hai vấn đề khác nhau. Nếu đồng nhất giữa “thẩm quyền” với “quyết định cụ thể” của tòa phúc thẩm thì không thể lý giải được vì sao có vụ án tòa phúc thẩm vừa giữ nguyên bản án lại vừa sửa vừa hủy một phần bản án.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là bản án của tòa phúc thẩm phải thể hiện ở phần “xét thấy” (trước đây gọi là nhận định) vì sao lại giữ nguyên, giữ nguyên phần nào hay giữ nguyên toàn bộ bản án sơ thẩm; nếu sửa thì sửa quyết định nào của bản án sơ thẩm hoặc hủy thì hủy toàn bộ hay chỉ hủy một phần bản án sơ thẩm. Nếu trong phần “xét thấy” của bản án phúc thẩm không thể hiện được những nội dung đó thì bản án phúc thẩm chưa đúng pháp luật và hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, thậm chí phần quyết định của bản án phúc thẩm hoàn toàn đúng nhưng phần xét thấy sai mà sai nghiêm trọng thì sẽ bị kháng nghị giám đốc thẩm.
Riêng đối với phần quyết định của bản án phúc thẩm thì lại càng phải viết chính xác từng từ, thậm chí từng dấu chấm, dấu phẩy. Đã có trường hợp chỉ viết sai dấu chấm, dấu phẩy mà bản án phúc thẩm bị kháng nghị giám đốc thẩm vì làm cho người đọc không hiểu hoặc hiểu thế nào cũng được.
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì phần quyết định của bản án phúc thẩm phải viết: Căn cứ vào điểm, khoản, điều nào của BLTTHS và áp dụng điểm, khoản, điều nào của BLHS chứ không thể muốn viết sao thì viết.