Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới. Đồng thời, xuất hiện một lực lượng doanh nhân trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, khởi nghiệp thành công các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo.
“Doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã không ngừng phát triển và nâng cao về nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, hiệu quả sử dụng lao động; thể hiện vai trò là lực lượng chủ lực quản lý, tổ chức các nguồn lực sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho xã hội, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Ngày 12-10, tại buổi lễ kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam và tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định điều này. Lời khẳng định ấy càng có ý nghĩa khi đất nước nói chung, doanh nhân Việt Nam nói riêng đã vượt qua được những thời khắc khó khăn, đặc biệt là dịch COVID-19 hoành hành năm ngoái.
Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân thì trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nhân trong đại dịch là yếu tố làm nên thành công. Điều đó được thể hiện qua hàng chục ngàn tỉ đồng mà cộng đồng doanh nhân đóng góp.
Đó là minh chứng rõ ràng cho điều mà lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công thương cứu quốc đoàn - tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước”.
Doanh nhân, DN hiển nhiên phải gắn với đầu tư, sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận. Vai trò của doanh nhân - DN trong phát triển kinh tế - xã hội không còn phải bàn cãi. Bởi cái gốc của doanh nhân - DNlà tạo ra việc làm để thực hiện sứ mệnh của mình là góp phần lớn vào bảo đảm an sinh, an toàn xã hội, đưa đất nước phát triển, phồn vinh, thịnh vượng.
Nếu không tạo ra việc làm thì doanh nhân - DN chẳng thể làm tròn sứ mệnh cao cả ấy. Con số gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đang đóng góp 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc… nói lên nhiều điều về sứ mệnh ấy.
Nhưng các doanh nhâncũng mong muốn Chính phủ và các cơ quan chức năng thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ để đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa.
Trong đó đặc biệt là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của DN, doanh nhân. Đẩy mạnh ngăn ngừa, đẩy lùi những hiện tượng móc nối trục lợi, gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nhân trong quá trình kinh doanh…
Làm được những điều này sẽ có tác dụng thúc đẩy DN - doanh nhân Việt Nam ngày càng đóng góp to lớn hơn cho đất nước, làm tỏa sáng sứ mệnh cao cả của doanh nhân.