Đến tối 10-4, hãng tin Reuters dẫn nguồn giới chức Malaysia ghi nhận nước này 24 giờ qua tăng hơn 100 ca nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số bệnh nhân lên gần 4.400 người. Số người tử vong hiện dừng ở 70 trường hợp.
Malaysia tiếp tục là quốc gia có số người nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tình hình này buộc nhà chức trách phải có đối sách quyết liệt.
Tiếp tục kéo dài phong tỏa toàn quốc
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin hôm 10-4 tuyên bố sẽ kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc (MCO) đến hết ngày 28-4, thay cho thời hạn 14-4 trước đó. Đây là động thái nhằm tạo thuận lợi cho nhân viên y tế trong việc kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19, theo đài CNA.
“Quyết định này theo sát quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo các quốc gia không vội vàng dỡ bỏ các biện pháp chống dịch. Đề phòng trường hợp COVID-19 tấn công trở lại, chúng ta phải chuẩn bị đối mặt với tình thế này trong một vài tháng. MCO có thể sẽ tiếp tục được gia hạn cho đến khi Malaysia hoàn toàn vượt qua đại dịch” - ông Muhyiddin phát biểu.
Nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh MCO đã giúp Malaysia giảm sự lây lan của đại dịch và giảm số ca mắc COVID-19 mới ở mức 7%, dù vẫn trong nhóm cao nhất khu vực. Tỉ lệ tử vong của Malaysia hiện ở mức 1,6%, thấp hơn mức trung bình 3,4% WHO ước tính.
“Số lượng các ca nhiễm thống kê mỗi ngày cũng đã giảm. Nếu mức giảm này tiếp tục được ghi nhận trong hai tuần tới, chúng ta có thể thành công trong việc ngăn COVID-19 lây lan. Dù vậy, chúng ta không thể xem nhẹ tình hình” - thủ tướng nói thêm.
Đáp lại những quan điểm trái chiều về việc kéo dài thời gian thực thi MCO từ cộng đồng doanh nghiệp Malaysia, Thủ tướng Muhyiddin cho hay một số lĩnh vực được lựa chọn sẽ trở lại hoạt động theo từng giai đoạn nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng dịch, đảm bảo sức khỏe và an toàn nơi công sở.
Dù vậy, Thủ tướng Muhyiddin nhấn mạnh điều này không có nghĩa là nới lỏng MCO và bất kỳ công ty hoặc nhà máy nào phát hiện vi phạm sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động. Danh sách các lĩnh vực được lựa chọn sẽ sớm công bố sau khi chính phủ có sự cân nhắc kỹ lưỡng.
Nhân viên y tế Malaysia tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur ngày 7-4. Ảnh: CNN
Người dân phải hợp tác với chính phủ
Với các biện pháp quyết liệt vừa để ngăn chặn dịch lan tràn vừa nhằm khắc phục hậu quả do dịch gây ra, hy vọng dịch COVID-19 sớm được kiểm soát cũng nhen nhóm ở Malaysia. Tuy nhiên, “kẻ thù chính” hiện nay không phải là virus COVID-19, mà là sự vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết và không có lòng tin khiến virus lây lan rộng, theo tờ Free Malaysia Today. Từ lúc MCO được ban hành hồi tháng 3, nhà chức trách đã bắt giữ hơn 1.300 người vì vi phạm lệnh phong tỏa.
8.000 tỉ USD là số tiền mà chính phủ trên khắp thế giới đã chi cho nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 tính đến nay, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 9-4 cho biết. Bà Georgieva cũng cảnh báo ít nhất 160 quốc gia sẽ tăng trưởng âm trong năm 2020. |
“Nhiều người viện cớ rằng họ chỉ ra ngoài mua thực phẩm nhưng họ bị bắt gặp ra ngoài tới bốn lần một ngày, đến mức cảnh sát còn nhận ra mặt họ... Rõ ràng họ không thành thật” - Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ismail Sabri Yaakob tuyên bố.
Do đó, để hỗ trợ nỗ lực chống dịch, người dân được kêu gọi thể hiện trách nhiệm công dân, trước hết là thực hiện nghiêm những quy định, khuyến cáo và tránh mua sắm, tích trữ để đảm bảo an ninh lương thực, không tạo đám đông để dịch có điều kiện lây lan.
Ngoài ra, Free Malaysia Today cũng đánh giá cao ý tưởng “gạo cung cấp miễn phí theo mô hình ATM” xuất hiện gần đây tại TP.HCM của Việt Nam. Cụ thể, người nghèo có nhu cầu nhận gạo miễn phí chỉ cần ấn nút tại cây ATM và sẽ nhận được 1,5 kg gạo mỗi người. Người đến nhận gạo phải xếp hàng và đảm bảo giãn cách 2 m, cũng như được cung cấp dung dịch rửa tay trước khi lấy. Tờ báo này khuyến nghị Malaysia cần học tập ý tưởng trên để giúp đỡ những người có nhu cầu và hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Đông Nam Á nên học tập mô hình Việt Nam Tờ The ASEAN Post ngày 9-4 đã có bài viết kêu gọi thành viên khối ASEAN nên học tập mô hình chống dịch hiệu quả của Việt Nam. Cụ thể, The ASEAN Post đánh giá Việt Nam đã làm tốt công tác ứng phó COVID-19 trước lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Đến khi có bệnh nhân, Việt Nam tiếp tục triển khai xét nghiệm nhanh và hàng loạt. Bài báo đồng thời dẫn phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định Việt Nam không thiếu bộ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19. Đến nay, Việt Nam có 21 cơ sở y tế trên khắp cả nước được cho phép xét nghiệm COVID-19. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) trước đó cũng đánh giá cao phản ứng nhanh chóng của Việt Nam. Cụ thể, WEF khẳng định Việt Nam là một quốc gia có lực lượng quân đội và an ninh lớn và được tổ chức tốt, có thể nhanh chóng đưa ra các quyết định và triển khai ngay lập tức. |