Những ngày này, người dân nhiều nước, đặc biệt các nước đang bị dịch COVID-19 hoành hành nặng nề có lệnh ưu tiên ở yên trong nhà để ngăn dịch lây lan thêm.
Mỹ đang là nước có dịch nghiêm trọng nhất thế giới với gần 468.600 ca nhiễm trong đó gần 16.700 người chết, theo số liệu từ trang web thống kê Worldometer tính đến chiều 10-4 (giờ Việt Nam).
Sau Mỹ là hàng loạt nước châu Âu: Tây Ban Nha (153.222 ca nhiễm trong đó 15.447 người chết), Ý (143.626 ca nhiễm trong đó 18.219 người chết), Đức (118.235 ca nhiễm trong đó 2.067 người chết), Pháp (117.749 ca nhiễm trong đó 12.210 người chết), Anh (65.077 ca nhiễm, 7.978 người chết).
Để chống dịch, từ tháng trước các chính quyền các bang ở Mỹ đã yêu cầu dân ở yên trong nhà chỉ đi ra ngoài khi có việc khẩn cấp và cần thiết, thực hiện nghiêm biện pháp giãn cách xã hội để giảm lây nhiễm. Tới thời điểm này số bang áp dụng biện pháp này là 42 bang - chiếm khoảng 90% dân số Mỹ.
Thông điệp kêu gọi người dân ở nhà của các y bác sĩ bệnh viện Abbott Northwestern ở TP Minneapolis, bang Minesota (Mỹ) - “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”. Ảnh: FACEBOOK
Tuy nhiên, có vẻ dân Mỹ không ngán COVID-19 bằng dân châu Âu. Báo New York Post dẫn dữ liệu theo dõi của Google công bố cuối tuần trước cho thấy chuyện tuân thủ yêu cầu ở yên trong nhà hay tránh đến các nơi công cộng của người Mỹ không nghiêm túc bằng người dân ở các điểm nóng COVID-19 khác ở châu Âu. Google nói mình công bố dữ liệu để các nhà chức trách có thể căn cứ vào đó mà ra quyết định trong cuộc chiến với COVID-19.
BS Deborah Birx - nhà điều phối phản ứng chống COVID-19 của đội đặc nhiệm chống dịch của Nhà Trắng nói từ sự gia tăng số ca nhiễm có thể thấy người dân không tuân thủ nghiêm yêu cầu ở nhà.
Điểm nóng nhất nước Mỹ trong đợt dịch này là bang New York - đã có tới hơn 161.500 ca nhiễm (chiếm tới gần 35,5% số ca nhiễm cả nước), trong đó 7.067 người chết (chiếm hơn 42% số người chết cả nước).
Tại tâm dịch New York, Google đo được mức độ di chuyển của người trong các công viên công cộng giảm 47%, tại các trạm giao thông giảm 68%. Các tỉ lệ này ở Ý và Tây Ban Nha khoảng 90%, ở Pháp cũng hơn 80%.
Anh cho đóng cửa các cơ sở ngành nghề kinh doanh ít cần thiết sau New York bốn ngày nhưng mức độ này cũng cao hơn Mỹ: di chuyển trong các công viên công cộng giảm 52%, tại các trạm giao thông giảm 75%.
Các y bác sĩ Anh kêu gọi người dân ở nhà: “Chúng tôi đi làm vì bạn, bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”. Ảnh: TWITTER
Điểm nóng nhất về dịch COVID-19 ở bang New York là TP New York. Trong năm quận của TP New York thì thay đổi rõ nhất về hạn chế đi lại diễn ra ở Manhattan, giảm gần 80% lượng di chuyển ở các công viên và các trạm giao thông, vẫn thấp hơn nhiều nước châu Âu.
Tại quận Queens, các tỉ lệ giảm này là 52% ở công viên, 75% ở các trạm giao thông. Ở quận Brooklyn, tỉ lệ giảm là 55% ở công viên và 63% ở các trạm giao thông.
Không chỉ ở bang New York, tại thủ đô Washington DC, tỉ lệ giảm di chuyển cũng chỉ ở mức 41% ở các công viên và 68% ở các trạm giao thông - thấp hơn ở châu Âu rất nhiều.
Về chuyện mua sắm và giải trí, dữ liệu của Google cũng cho thấy người Mỹ đi ra ngoài vì hai chuyện này nhiều hơn dân châu Âu. Tỉ lệ nhân viên không đến chỗ làm cũng ít hơn ở châu Âu.
Về tỉ lệ dân cố thủ ở nhà, Google nhận thấy tỉ lệ này ở thủ đô Washington DC là 14%, ở New York là 16%, so với 24% ở Ý, 22% ở Tây Ban Nha.
Nhiều bang khác ở Mỹ thì thực tế việc thực hiện giãn cách xã hội còn ít hơn.
Chẳng hạn tại bang Florida, sau khi bang này có lệnh yêu cầu ở nhà thì lượng người tuân thủ không ra ngoài vẫn không nhiều.
Nhà chức trách nhiều bang ở Mỹ dọa sẽ phạt tù và phạt tiền với người vi phạm các yêu cầu chỉ được ra ngoài khi phải mua thực phẩm, thuốc men, làm việc theo quy định. Tuy nhiên thực tế thì việc thực hiện những điều này chủ yếu vẫn dựa vào tự nguyện.