Nói đến điểm nóng nhất toàn cầu về COVID-19 hiện tại, người ta không còn nghĩ đến Trung Quốc hay Ý mà là Mỹ - với số ca nhiễm cao nhất thế giới: 435.160 (gần 29% trong 1.521.918 ca nhiễm toàn cầu), tính đến sáng sớm 9-4 (giờ địa phương), theo trang web thống kê Worldometer. Số người chết ở Mỹ là 14.797 - chiếm gần 17% số người chết toàn cầu.
Trên cả nước, COVID-19 lấy đi 1.900 sinh mạng nữa trong ngày 8-4. Các nhà chức trách Mỹ báo trước người dân cần chuẩn bị tâm lý để đón các thông tin, các con số báo động hơn về lượng người chết trong tuần này.
“Chúng ta đang ở giữa một tuần đau thương. Chúng ta đang bắt đầu thấy tia hy vọng le lói”, Phó Tổng thống Mike Pence - lãnh đạo đội đặc nhiệm chống COVID-19 của chính phủ Mỹ nói trong cuộc họp báo ngày 8-4.
Tình hình bên trong nước Mỹ thế nào?
Điểm nóng nhất của nước Mỹ là bang New York, với 151.171 ca nhiễm (gần 35% cả nước), trong đó 6.268 người chết (hơn 42% cả nước).
Đưa bệnh nhân lên xe cấp cứu nhập viện ở quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ), ngày 8-4. Ảnh: REUTERS
Nghiêm trọng thứ hai sau bang New York là bang New Jersey với 47.437 ca nhiễm (gần 11% cả nước), trong đó 1.504 người chết (hơn 10% cả nước). Bang New Jersey cũng mất tới 275 người trong ngày 8-4, con số cao nhất mỗi ngày từ đầu dịch.
Có 8 bang có từ trên 10.000 ca nhiễm: Michigan (20.346 ca nhiễm trong đó 959 người chết); California (19.063 ca nhiễm trong đó 507 người chết); Louisiana (17.030 ca nhiễm trong đó 652 người chết); Massachusetts (16.790 ca nhiễm trong đó 433 người chết); Pennsylvania (16.742 ca nhiễm trong đó 314 người chết); Florida (15.698 ca nhiễm trong đó 323 người chết); Illiois (15.078 ca nhiễm, trong đó 462 người chết); Geogia (10.204 ca nhiễm, trong đó 370 người chết); Texas (10.065 ca nhiễm, trong đó 195 người chết).
Binh sĩ thuộc Binh chủng công binh quân đội Mỹ chuẩn bị bắt tay vào xây dựng một bệnh viện dã chiến tại một trung tâm hội nghị ở TP Miami, bang Florida (Mỹ) ngày 8-4. Ảnh: REUTERS
Bang Louisianna “đã bắt đầu thấy đường cong được làm thẳng” với số ca nhiễm mới giảm dần trong những ngày qua, Thống đốc Joh Bel Edwards cho biết. Thống đốc bang California - ông Gavin Newsom nói ông không hy vọng số ca nhiễm sẽ giảm cho đến cuối tháng 5. Đã có hàng ngàn nhân viên y tế bị lây nhiễm từ bệnh nhân. Tại bang Michigan - bang có tỉ lệ nhân viên y tế được xét nghiệm nhiều nhất - đã có tới hơn 700 nhân viên y tế bị nhiễm, cứ bốn người xét nghiệm thì có một người nhiễm.
Có 6 bang từ trên 5.000 đến dưới 10.000 ca nhiễm: Washington - bang bùng phát dịch đầu tiên ở Mỹ (9.342 ca nhiễm, trong đó 431 người chết); Connecticut (8.7815 ca nhiễm, trong đó 335 người chết); Indiana (5.943 ca nhiễm, trong đó 203 người chết); Colorado (5.655 ca nhiễm, trong đó 193 người chết); Maryland (5.529 ca nhiễm, trong đó 124 người chết); Ohio (5.148 ca nhiễm, trong đó 193 người chết).
Nhân viên phản ứng nhanh chuẩn bị hỗ trợ một bệnh nhân COVID-19 ở bang Washington (Mỹ) ngày 8-4. Ảnh: REUTERS
Có 4 bang từ trên 3.000 đến dưới 5.000 ca nhiễm: Tennessee, Virginia, North Carolina, Missouri.
Có 6 bang từ trên 2.000 đến dưới 3.000 ca nhiễm: Wisconsin, Arizona, South Carolina, Alabama, Nevada, Mississippi.
Có 11 bang từ trên 1.000 đến dưới 2.000 ca nhiễm: Utah, Oklahoma, Rhode Island, Kentucky, Oregon, Idaho, Minnesota, Iowa, Delaware, Arkansas, Kansas.
Thủ đô Washington DC đang có 1.440 ca nhiễm, trong đó 27 người chết.
Có 12 bang và 4 vùng lãnh thổ dưới 1.000 ca nhiễm.
Quân đội Mỹ đang có 3.160 ca nhiễm, trong đó tám người đã chết.
Phát bộ tự xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại một bãi đậu xe ở TP Pasadena, quận Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 8-4. Ảnh: REUTERS
Hiện 42 bang ở Mỹ đã áp lệnh yêu cầu dân ở trong nhà để ngăn dịch lây lan, tương đương hơn 90% dân số cả nước ở nhà. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tám bang (Arkansas, Iowa, Nebraska, North Dakota, South Carolina, South Dakota, Utah và Wyoming) vẫn chưa đi đến bước này. Riêng bang Georgia có yêu cầu dân ở nhà nhưng sau đó lại cho phép mở cửa các bãi biển.
Tổng Y sĩ Mỹ Jeroma Adams đề nghị các thống đốc tám bang này (đều theo đảng Cộng hòa) cân nhắc nghiêm túc việc ra lệnh yêu cầu dân ở nhà.
New York đã le lói hy vọng
Vài ngày qua, số người chết hằng ngày tại tâm dịch New York luôn ngày sau cao hơn ngày trước, với con số kỷ lục ngày 8-4 là 779. Trong ngày 8-4, New York cũng ghi nhận tới gần 7.000 ca nhiễm mới.
Nhà chức trách thậm chí còn cho rằng con số người chết được thông báo chính thức có thể chưa phải là con số chính xác, vì còn chưa tính tới những người nhiễm và chết tại nhà.
Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo nói số người chết khả năng lớn sẽ còn ở mức cao như vài ngày nay, thậm chí sẽ còn cao hơn trong vài ngày tới.
Vệ binh Quốc gia mang các thùng thực phẩm do chính quyền phân phát đến cho dân ở khu Harlem thuộc quận Manhattan, TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 8-4. Ảnh: REUTERS
Quá tải là từ mà các nhà chức trách New York nhắc tới thường xuyên nhất khi nói về tình trạng của hệ thống y tế trong bang. Hầu hết bệnh viện điều trị COVID-19 đều thiếu nhân lực, vật lực (từ máy trợ thở cho bệnh nhân đến thiết bị bảo hộ cá nhân cho nhân viên y tế).
Các nhà xác không còn chỗ chứa. Từ tháng trước, chính quyền bang đã phải tận dụng nhiều cơ sở có hệ thống làm lạnh để tạm thời làm nơi chứa thi thể người không qua khỏi. Chính quyền cũng huy động nhiều công ty mai táng từ khắp nơi trong bang đến hỗ trợ các đồng nghiệp vốn đang không làm hết việc ở TP New York - điểm nóng nhất bang New York về COVID-19.
Di chuyển một bệnh nhân không nhiễm COVID-19 lên tàu BV USNS Mercy đậu ở quận Los Angeles, bang California (Mỹ) ngày 8-4. Nhiệm vụ của tàu bệnh viện này là giảm tải cho các bệnh viện trong đất liền, lấy chỗ trống điều trị các bệnh nhân COVID-19. Ảnh: REUTERS
Trước giờ vẫn có thông tin đa số người không qua khỏi là người già, người vốn có bệnh lý nền. Tuy nhiên, đáng báo động là gần đây các bác sĩ cảnh báo độ tuổi tử vong đang có dấu hiệu trẻ hóa, có nghĩa là đã có người trẻ và vốn khỏe mạnh vẫn không qua khỏi sau khi nhiễm bệnh.
Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị lây nhiễm bất cứ lúc nào, một nỗi đau đến mức ám ảnh của lực lượng bác sĩ, y tá trực tiếp chăm sóc bệnh nhân là ngày qua ngày chứng kiến rất, rất nhiều cái chết của người bệnh.
“Người bệnh mới vừa nhìn thấy ổn đó, họ mới vừa nói với chúng tôi là họ cảm thấy ổn, rồi chỉ cần quay đi, quay lại đã không còn thấy họ động đậy nữa. Tôi như mắc chứng hoang tưởng rồi, tôi sợ không dám rời khỏi phòng họ (vì sợ bệnh nhân sẽ chết khi không có mình - PV)” - nữ y tá Diana Torres tại BV Mount Sinai ở TP New York chia sẻ với Reuters về nỗi đau của cô và các đồng nghiệp.
Đưa một bệnh nhân COVID-19 lớn tuổi từ một nhà dưỡng lão lên xe cấp cứu đi nhập viện, tại TP San Antonia, bang Texas (Mỹ). Ảnh: REUTERS
Hy vọng lớn nhất mà ông Cuomo vin vào lúc này là số ca nhiễm phải nhập viện mỗi ngày có dấu hiệu giảm. Một số dữ liệu khác cũng cho thấy bang đã phần nào kiểm soát được tỉ lệ nhiễm, một tín hiệu cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội được áp dụng ở New York đã có hiệu quả.
BS Craig Smith tại BV ĐH Columbia ở quận Manhattan (New York) cho biết hai ngày qua, lượng bệnh nhân được xuất viện đã nhiều hơn bệnh nhân phải nhập viện.
Họp báo ngày 8-4, Tổng thống Donald Trump nói ông cũng muốn khôi phục hoạt động kinh tế nhưng phải kiềm chế trước khi số người chết giảm rõ. Ông Trump không đề cập thời gian cụ thể mà ông muốn khôi phục hoạt động kinh tế, nhưng ngày trước đó cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow có nói chuyện khôi phục thương mại có thể sau 4-8 tuần nữa. |