Cũng trong chiều qua, nhạc sĩ Nguyễn Cường lại cho hay, hồ sơ đề nghị đặc cách danh hiệu NSND của ca sĩ Y Moan đã được gửi tới Chủ tịch nước và phải chờ tới đợt xét tặng vào dịp 2/9 tới.
Trong khi đó, một cán bộ của Bộ VH,TT&DL cho biết, hàng trăm nghệ sĩ cũng đang chờ đợt xét tặng danh hiệu lần thứ 7. Nhưng Thông tư 06/ 2010/TT-BVHTTDL quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT vừa ban hành phải tới ngày 30/8 mới có hiệu lực. Mà theo Thông tư này, việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT được thực hiện 2 năm/lần, vào dịp 2/9. Với thực tế này, đợt xét danh hiệu lần 7 có thể sẽ thực hiện trong năm 2011.
Tuy nhiên, tại nhà khách trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), nơi Y Moan và gia đình đang nghỉ trọ để chuẩn bị cho đêm diễn, vào lúc 20h20 tối qua, 5/8, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã đến thăm, tặng quà và thông báo một tin vui là Chủ tịch nước đã ký quyết định phong tặng danh hiệu NSND cho Y Moan.
Và như vậy, Y Moan sẽ nhận danh hiệu cao quý này ngay trong live show Ngọn lửa cao nguyên.
Năm 2009, sau khi NSƯT Phương Thanh qua đời, lớp diễn viên khóa 2 - Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội đã ký tên vào lá đơn đề nghị truy tặng danh hiệu NSND cho chị với mong muốn quyết định đó được công bố ngay tại Lễ truy điệu của cố nghệ sĩ. Thời điểm đó, lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng cho rằng, việc truy tặng danh hiệu NSND cho Phương Thanh là hợp lý, nhưng phải thực hiện đúng quy trình. Phương Thanh có 30 năm gắn bó với điện ảnh, từng tham gia khoảng 30 phim nhựa và 100 tập phim truyền hình. Năm 2005, chị cũng đã có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, song chưa được công nhận.
Tuy nhiên, kể từ sau đám tang của NSƯT Phương Thanh đến giờ, tất cả đều chìm vào im lặng. Mới đây, NSƯT Anh Dũng chia sẻ, trong lần phong danh hiệu sắp tới, anh cũng không làm hồ sơ đề nghị truy tặng danh hiệu cho chị nữa, bởi cái chết đột ngột của chị đã là một sự mất mát quá lớn đối với anh, và cho đến giờ, danh hiệu chỉ là hư ảo mà thôi.
Trên thực tế, từ năm 1984 đến nay đã có 6 đợt trao tặng danh hiệu NSND vào các năm: 1984, 1988, 1993, 1997, 2001, 2007 với 191 nghệ sĩ được trao tặng. Có một số nghệ sĩ được đặc cách, truy tặng nằm trong những đợt xét tặng này, song không có trường hợp nào nằm ngoài những thời điểm đó. Năm 1984, ở tuổi 26, Đặng Thái Sơn được phong tặng danh hiệu NSND. Chính Đặng Thái Sơn cũng kể lại rằng, lúc đó có nhiều luồng dư luận phản ứng, cho rằng anh còn quá trẻ và anh sẽ không thể được trao danh hiệu này nếu không có “quyết định mạnh bạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”.
Ở đợt phong danh hiệu lần thứ 6 (năm 2007), 3 nghệ sĩ đã mất được truy tặng danh hiệu NSND: ca sĩ Trần Khánh (Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam); cố phát thanh viên Đỗ Trọng Thuận (Ban Thư ký Đài Tiếng nói Việt Nam) và họa sĩ Bùi Huy Hiếu (Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội). Ngoài ra còn có hai cố nghệ sĩ là diễn viên múa Thanh Tùng (Đoàn Văn công Phòng không - không quân) và Nguyễn Xuân Nghiệp (Quay phim Điện ảnh Quân đội) được truy tặng danh hiệu NSƯT.
Quy định về đặc cách phong NSND Bình thường, nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cần có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc thời gian hoạt động từ 15 năm trở lên, đã được phong tặng danh hiệu NSƯT từ 5 năm trở lên; có nhiều giải thưởng nghệ thuật loại Vàng và Bạc, trong đó có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong danh hiệu NSƯT. Theo Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL, trường hợp đặc cách phải đạt 100% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng mới được lập danh sách đề nghị Hội đồng cấp trên xét. Đặc cách phong danh hiệu NSND, NSƯT được xét trong trường hợp: “Nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, đoạt giải thưởng cao tại các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp lớn của quốc tế hoặc có thành tích nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, đạt nhiều giải thưởng cao ở cấp quốc gia” (Điều 7). |