Ngạc nhiên hơn khi ca sĩ kỳ cựu nổi tiếng trước năm 1975 rất khó tính khi chọn ca khúc để hát - và hầu như chưa bao giờ hát nhạc bolero lại đi chấm thi Solo cùng Bolero.
Trước năm 1975, ở miền Nam dù không có thống kê, phân cấp nào nhưng hầu như mọi người đều ngầm hiểu có hai dòng nhạc trữ tình chính với hai cách biểu cảm khác nhau: Một dòng gợi cảm và một dòng truyền cảm, dành cho các đối tượng thính giả cũng khác nhau. Lệ Thu cùng với Thái Thanh và Khánh Ly là những nữ ca sĩ hàng đầu chuyên hát dòng nhạc trữ tình gợi cảm, sang trọng của Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên... Hầu như các nhạc sĩ vừa kể không viết nhạc bolero, trừ Phạm Đình Chương có duy nhất bài Xóm đêm điệu bolero rất thành công. Dòng nhạc truyền cảm chủ yếu mang âm điệu bolero, habanera, slow rock... với lời hát, ngôn từ mộc mạc, giản dị, dễ đi vào lòng người. Các nữ ca sĩ hàng đầu của dòng nhạc này là Thanh Thúy, Phương Dung, Hoàng Oanh, Thanh Tuyền, Giao Linh...
Xin mở ngoặc để nói đôi điều về “ông vua nhạc bolero” Trúc Phương. Sức sáng tác của nhạc sĩ rất phong phú, với hàng trăm khúc tình ca buồn, là bệ phóng làm nên tên tuổi các ca sĩ nói trên. Đặc biệt Trúc Phương “đo ni đóng giày” viết nhiều ca khúc cho riêng “tiếng hát liêu trai” Thanh Thúy. Ngoài các nữ ca sĩ vừa kể, nam ca sĩ hát nhạc Trúc Phương thành công nhất là Duy Khánh, Chế Linh...
Tôi là người ngưỡng mộ tiếng hát Lệ Thu. Những năm 1970-1971, cứ cuối tuần tôi lại đến phòng trà ca nhạc Ritz trên đường Trần Hưng Đạo để nghe Lệ Thu hát Nước mắt mùa thu, Mùa thu chết (Phạm Duy), Xin còn gọi tên nhau, Mùa thu trong mưa (Trường Sa)... Nên khi bất ngờ thấy ca sĩ kỳ cựu khó tính này từ Mỹ về Vĩnh Long chấm thi Solo cùng Bolero, tôi đã chăm chú theo dõi đến gần hết chương trình. Tôi không ngạc nhiên khi nghe mấy ca sĩ giám khảo Phi Nhung, Quang Lê và ai đó tôi quên tên khen những lời có cánh cho các thí sinh hát nhạc bolero giọng còn non nớt, đôi chỗ còn phát âm sai chính tả. Nhưng tôi cảm thấy xót xa khi cả Lệ Thu cũng phải khen chiếu lệ các em!
Mười mấy năm trước, tác giả Trần Hữu Ngư có viết một cuốn sách tập hợp những bài phỏng vấn các nhạc sĩ và một số bài tạp bút về âm nhạc có tên là Tội nghiệp Boléro( NXB Văn Nghệ, 2005). Trong bài tạp bút lấy tên làm tựa chung cho cả tập sách, Trần Hữu Ngư viết: “Suốt mấy mươi năm qua, thị trường ca nhạc vắng bóng những bài hát mang âm điệu boléro... Cái “chách chách... chách bùm chách” nghe nó đơn điệu và hiền từ quá chăng?”. Và cuối bài tác giả “chắc một ngày không xa boléro (những bài hát cũ) sẽ được các ca sĩ hát lại. Mong lắm thay!... “Chách chách... chách bùm chách”... đã xa rồi, tội tình chi hỡi boléro!”. Trần Hữu Ngư đâu nghĩ rằng chỉ một thời gian sau, “niềm mơ ước những ca khúc boléro cũ được hát lại” của ông đã phục hưng ngoài sức tưởng tượng, tràn ngập mọi lúc mọi nơi. Trên hầu hết sân khấu ca nhạc, trên truyền hình, các cuộc thi hát, remix, bolero chễm chệ ngồi chiếu trên. Đến các ca sĩ nổi tiếng khó tính khi chọn ca khúc để hát như Lệ Thu cũng về nước tham gia. Cả ca sĩ Ánh Tuyết, một giọng hát hàng đầu chuyên hát nhạc Văn Cao bây giờ cũng lên tivi hát nhạc bolero. Đúng là từ bất cập chuyển sang thái quá. Trước kia nguời ta chê bolero là “nhạc vàng”, “nhạc sến”, ướt át, ủy mị thì nay nổi lên trào lưu tôn sùng dòng nhạc này. Nhiều người còn tìm cách cách tân, remix làm biến dạng bolero. Cả những trường hợp ăn theo bolero rất bôi bác. Không biết có phải gom góp chưa đủ nhạc bolero không mà người ta gán ghép nhiều điệu nhạc, dòng nhạc khác vào gọi chung là bolero. Những cuộc thi hát, remix tạp-pín-lù cũng mang danh bolero. Bây giờ thì đúng là “tội nghiệp boléro” theo cách nói của tác giả Trần Hữu Ngư nhưng mà ngược lại!