Tổng kết SEA Games 28: TTVN và ‘mùa vàng Olympic’

Nếu trừ 8 HCV ở các môn pencak silat, wushu và bi sắt, con số hơn 65 chiếc HCV các môn thuộc hệ thống thi đấu Olympic thực sự gây ấn tượng.

Dẫn đầu trong số môn thể thao trọng điểm TTVN hướng tới Asiad và Olympic, điền kinh đoạt 11 chức vô địch. Trong bối cảnh không còn các VĐV chủ lực Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Vũ Văn Huyện… thì thành tích trên vượt qua cả số HCV tại SEA Games trước cho thấy điền kinh Việt Nam đi đúng hướng trong khâu đào tạo trẻ.

Nổi bật nhất nơi lực lượng trẻ này là tân vô địch cự ly 400 m và 400 m rào nữ Nguyễn Thị Huyền. Ngoài hai chiếc HCV cá nhân và một HCV tiếp sức, Huyền còn tham gia phá hai kỷ lục SEA Games đồng thời giành một suất đến thẳng Olympic Brazil 2016. Đáng chú ý là trong khi có đồng đội được đầu tư đi Mỹ tập huấn thì Huyền lại tập trong nước nhưng đạt hiệu quả rất cao.

Điền kinh Việt Nam đã có một mùa SEA Games thành công ngoài mong đợi với sự kế thừa hoàn hảo của lực lượng trẻ. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Sau điền kinh, bơi lội cũng gây nên cơn địa chấn với 10 chiếc HCV, trong đó một mình Ánh Viên đã mang về 8 HCV đồng thời xô ngã tám kỷ lục trong bảy cự ly thi đấu.

Bên cạnh sự tỏa sáng của Ánh Viên, Hoàng Quý Phước và Lâm Quang Nhật mỗi người cũng thu hoạch 1 HCV cá nhân và đó là bước tiến lớn của bơi lội Việt Nam.

Thể dục dụng cụ Việt Nam về đích với 9 HCV gây sửng sốt trong làng thể dục Đông Nam Á. Ở hai nội dung khó nhất của thể dục dụng cụ là toàn năng, Phan Thị Hà Thanh và Đinh Phương Thành thể hiện được đẳng cấp vượt trội của mình so với các đối thủ khu vực. Ngoài ra, Phương Thành còn giành thêm hai chức vô địch đơn môn (xà đơn, xà kép nam) trong khi Hà Thanh khẳng định ưu thế số 1 nội dung nhảy chống và cầu thăng bằng nữ. Nếu thể dục dụng cụ nam khá yên tâm về lớp kế thừa sau các VĐV cựu trào như Minh Sang, Phước Hưng… thì phía sau nữ hoàng Hà Thanh là khoảng trống do các đàn em chưa theo kịp.

Cùng đoạt tổng cộng 8 HCV, hai môn thi Olympic khác là đấu kiếm và rowing đã tạo sức sống mới ở những môn khó nhưng đòi hỏi có sự đầu tư tốt và nỗ lực cao của các VĐV.

Môn boxing, ở hạng cân nhẹ, nữ võ sĩ Lê Thị Bằng, Nguyễn Hải Yến cùng Trương Đình Hoàng giúp quyền Anh Việt Nam bước đầu gặt hái thành quả sau nhiều năm, quyền Anh Việt Nam chịu sự thống trị của Thái Lan và Philippines. Cũng ở môn này, boxing Việt Nam còn võ sĩ tiềm năng ở đấu trường châu lục là Lừu Thị Duyên (không có hạng cân tại SEA Games) đang được đầu tư trọng điểm.

Trong bối cảnh Việt Nam bị chủ nhà cắt giảm nhiều nội dung thế mạnh, bắn súng giành 3 HCV được xem là thất thu nhưng các xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường, Nguyễn Hoàng Phương vẫn khẳng định đẳng cấp lẫn ngôi vị nội dung súng ngắn nam.

Ngoài những gương mặt VĐV xuất sắc kể trên, cung thủ Nguyễn Tiến Cương (HCV cung ba dây), Lộc Thị Đào (cung một dây), tay đua xe đạp Nguyễn Thị Thật (HCV đường trường nữ), VĐV điền kinh Quách Công Lịch (HCB 400 m và 400 m rào), Lê Trọng Hinh (HCV 200 m nam), tay vợt cầu lông Vũ Thị Trang (HCĐ đơn nữ)… Đây chính là những VĐV lọt vào tốp 50 được TTVN đầu tư trọng điểm hướng tới những chiếc huy chương tại đấu trường Asiad và Olympic 2016.

Mừng với thu hoạch vàng trong những môn đấu thuộc hệ thống Olympic và hy vọng TTVN sẽ phát huy hơn nữa, đầu tư hơn nữa từ kỳ tích này.

Trong ngày thi đấu cuối, bóng chuyền nam Việt Nam đoạt chiếc HCB cuối cùng sau trận chung kết thất bại 0-3 (20/25; 19/25; 23/25) trước tuyển nam Thái Lan vượt trội về thể hình lẫn đẳng cấp. Tính từ SEA Games 2001 tại Malaysia, bóng chuyền nam Việt Nam từng bốn lần vào chung kết nhưng chưa lần nào đăng quang ngôi vô địch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm