Mỗi một mùa bóng qua, hay qua một giai đoạn của mùa giải, ban tổ chức hay góp con số trận đấu lại làm tài liệu phát tại hội nghị. Mỗi người dự hội nghị đã có trong tay tài liệu nhưng chủ tịch đoàn vẫn tốn nửa hoặc hơn nửa thời lượng hội nghị đọc lại những con số đã được in trong tài liệu. Có quá ít thời gian để trao đổi những điều khác.
Thật buồn khi so sánh với Thai-League của Thái Lan ra đời sau V-League.
Cách đây gần hai tháng, công ty tổ chức Thai-League, đứng đầu là Chủ tịch Ong Art Kosingkha, chủ trì lễ tổng kết giai đoạn 1 Thai-League. Những con số thực đã được nêu như hầu hết CLB đều có lãi ròng chiếm 50% trên tổng doanh thu. Thai-League cũng quyết định ăn chia theo tỉ lệ bản quyền truyền hình qua số lượng khán giả đến sân nhà của một CLB. Đây chính là mấu chốt mang đến sự thành công của các CLB chuyên nghiệp Thái Lan. Sân nào có khán giả đến đông thì được chia thương quyền truyền hình lớn và ngược lại. Ngoài ra việc tìm kiếm tài trợ của các CLB cũng như những tài trợ khác không được tính vào. Tiêu chí này của Thai- League tiếp tục được duy trì vì nó phát huy tính hiệu quả rất cao. CLB nào cũng tìm mọi cách lôi kéo khán giả đến sân để được ăn chia tiền bản quyền truyền hình cao…
Sau phần báo cáo tổng kết V-League là Gala với không khí ngày hội. Ảnh: QUANG THẮNG
Đó chỉ là một phần trong buổi tổng kết giai đoạn 1 của Thai-League.
Qua Thai-League, công ty tổ chức Thai-League không phải đau đầu trong việc khán giả đến sân cao hay thấp, mà CLB nào muốn có lãi, tồn tại thì tự mình cứu lấy mình qua chất lượng đội bóng rồi khán giả đến sân nhiều thì được ăn chia nhiều. Ngược lại thi đấu không ra gì, khán giả quay lưng thì tự đào thải.
Thai-League ra đời muộn hơn V-League nhưng đã tiến đi như vũ bão nhờ một nền móng vững chắc và những đầu tàu chuyên nghiệp thật sự. Nó khác với kiểu điều hành V-League. Khi tổ chức hội nghị tổng kết một mùa giải thì trước tiên chủ tịch đoàn “co cụm”, phòng ngự sợ bị dư luận chỉ trích và tìm cách đối phó với chỉ trích. Thực chất nói chỉ trích thì quá đáng mà chẳng qua là sự phản biện, chỉ ra những tồn tại yếu kém của một giải đấu. Nhưng tất cả đều được “vo tròn” lại. Thậm chí khi tổ chức hội nghị tổng kết, có vị thành viên trong chủ tịch đoàn còn “chơi chiêu” đọc tài liệu báo cáo thật lâu, thật dài, nói loanh quanh để chiếm hết thời gian của hội nghị, sau đó những người dự hội nghị không còn thời gian và cơ hội chất vấn.
Khi bị nêu đích danh là phó tổng giám đốc VPF nhưng không làm được gì trong việc vận động tiếp thị, tài trợ mà mỗi năm vẫn nhận lương 6, 7 trăm triệu, ông Phạm Phú Hòa cũng chỉ buồn và nhờ ông Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đỡ lời.
Sao ông Hòa không dám nói rằng các ông tạo ra một “sản phẩm kém chất lượng” bảo tôi đi bán làm sao tôi bán được?
Tất cả cùng chịu trách nhiệm thì cũng có nghĩa chẳng ai có trách nhiệm. Những người chủ trì phiên tổng kết mùa giải cứ vo tròn, đối phó dư luận kiểu này bóng đá Việt Nam không thể phát triển được mà ngày càng thụt lùi mà thôi.