Ngày 27-5, Tổng thống Barack Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm TP Hiroshima sau 71 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống đây làm 140.000 người chết.
Phái đoàn Mỹ đến Hiroshima cùng Tổng thống Obama có Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice, đại sứ Mỹ tại Nhật Caroline Kennedy, cố vấn kiêm người viết bài phát biểu cho tổng thống Obama - ông Ben Rhodes, cùng một số nhân vật khác.
Tổng thống Obama đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân. (Ảnh: CNN)
Tổng thống Obama đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm, bên cạnh ông là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Viết những dòng chữ lưu niệm sẽ được lưu giữ tại bảo tàng Hiroshima, Tổng thống Obama viết rằng ông hy vọng thế giới sẽ cùng nhau tìm kiếm truyền hòa bình.
Tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu đầy cảm xúc dài 20 phút, theo hãng tin CNN (Mỹ).
“71 năm trước, vào một buổi sáng trong xanh, sự chết chóc từ bầu trời đã rơi xuống đây, và thế giới đã thay đổi từ đó.”
Tổng thống Obama phát biểu tại Hiroshima, bên cạnh là Thủ tướng Abe. (Ảnh: REUTERS)
“Chớp lóe lên, rồi một bức tường lửa đã phá hủy Hiroshima, minh chứng cho việc loài người sở hữu vũ khí có thể hủy diệt chính mình.”
“Hiroshima đã vĩnh viễn thay đổi từ ngày đó, nhưng ngày nay trẻ em ở đây sẽ sống trong hòa bình. Đó là điều quý giá và cần phải bảo vệ.”
Tổng thống Obama kêu gọi cộng đồng thế giới chung tay vì một thế giới không vũ khí hạt nhân, chấm dứt những cuộc chiến vô nghĩa.
Đúng như tuyên bố của Nhà trắng Mỹ trước đó, Tổng thống Obama đã không xin lỗi cho hành động ném bom nguyên tử xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki.
Trực thăng tuần tra bên bầu trời Hiroshima lúc Tổng thống Obama phát biểu. (Ảnh: CNN)
Không gian Công viên Tưởng niệm Hòa bình lúc Tổng thống Obama phát biểu khá yên tĩnh, chỉ có tiếng một chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời, tiếng chim kêu, và tiếng máy ảnh chụp tách tách.
Tổng thống Obama gặp gỡ ông lão Shigeaki Mori 79 tuổi - một người dân Nhật sống sót sau thảm kịch hạt nhân Hiroshima 71 năm trước. (Ảnh: CNN)
Sau bài phát biểu, Tổng thống Obama đã gặp gỡ một số người sống sót sau thảm kịch. Ông ôm chặt ông lão Shigeaki Mori 79 tuổi trong xúc động. Lúc thảm kịch xảy ra, ông lão Mori còn là một cậu bé.
Tổng thống Obama gặp gỡ ông lão Sunao Tsuboi tại Hiroshima. (Ảnh: CNN)
Trước khi Tổng thống Obama đến Hiroshima, một người sống sót khác - ông lão Không gian Công viên Tưởng niệm Hòa bình lúc Tổng thống Obama phát biểu khá yên tĩnh, chỉ có tiếng một chiếc trực thăng bay lượn trên bầu trời, tiếng chim kêu, và tiếng máy ảnh chụp tách tách cho biết ông đã không thể tin được sẽ có ngày một tổng thống Mỹ đến Hiroshima lúc ông còn sống.
“Chúng tôi không cần lời xin lỗi. Tôi chỉ mong ông ấy hiểu và nói ra được điều gì sẽ mang lại hạnh phúc cho loài người” - CNN dẫn lời ông lão Sunao Tsuboi.