Sắc lệnh cấm nhập cư của Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành nhắm đến 6 quốc gia với đại đa số người dân theo Hồi giáo (gồm Chad, Somalia, Iran, Lybia, Syria và Yemen) cùng hai nước Venezuela và Triều Tiên. Theo tờ The Guardian, phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ được đưa ra với 7 phiếu thuận và 2 phiếu chống, một cú sốc lớn đối với những nhóm vận động chính trị chống phân biệt đối xử với người Hồi giáo nhập cư.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với người đến từ 6 quốc gia có đại đa số người dân theo Hồi giáo. Ảnh: TNS
Việc thực thi toàn diện sắc lệnh có thể sẽ mất nhiều tháng để hoàn thành. Trong một sắc lệnh hành pháp ban bố tháng 7 vừa qua, những người đến từ 8 quốc gia trên nếu có quan hệ “rõ ràng đáng tin” với người khác tại Mỹ, chẳng hạn như giấy tờ chứng minh nhập cảnh vì mục đích kinh doanh hoặc quan hệ gia đình thân thiết, sẽ được xem là trường hợp ngoại lệ không bị cấm nhập cảnh.
Theo The Guardian, phán quyết lần này không đồng nghĩa tòa án tối cao xem sắc lệnh của Tổng thống Trump là đúng với Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, Tòa án Tối cao cảm thấy được thuyết phục bởi lập luận của chính phủ ông Trump cho rằng ngưng khẩn cấp sắc lệnh là một động thái không cần thiết.
Sắc lệnh cấm nhập cảnh nhiều tranh cãi của Tổng thống Trump cũng chưa chắc đã hoàn toàn “qua truông”. Trong vài tháng tới, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ tiếp tục xem xét nội dung của sắc lệnh và ra phán quyết liệu nó có vi hiến hay không, cụ thể là trong vấn đề chống phân biệt đối xử.
Điểm bất ngờ nhất trong phán quyết lần này là trong số những thẩm phán tối cao ủng hộ cho sắc lệnh được thực thi còn có bà Elena Kagan, người từng được cựu Tổng thống Barack Obama và các nghị sĩ đảng Dân chủ thúc đẩy đưa vào Tòa án Tối cao.