Hôm 18-8, Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Mali Boubou Cissé đã bị lực lượng nổi dậy bắt giữ ở thủ đô Bamako (Mali), kênh Channel News Asia đưa tin.
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita (phải) và Thủ tướng Mali Boubou Cissé (trái) đã bị lực lượng nổi dậy bắt giữ hôm 18-8. Ảnh: AFP/GETTY
Vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi lực lượng nổi dậy chiếm được căn cứ quân sự Kati ở ngoại ô thủ đô Bamako, bắt giữ một số quan chức dân sự cấp cao và nhiều sĩ quan quân đội.
Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Tổng thống Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse trong đoàn xe quân sự bị lực lượng nổi dậy có vũ trang bao vây. Đoàn xe được cho là đang ở căn cứ Kati. Tuy nhiên tính xác thực của các hình ảnh này vẫn chưa được xác nhận.
Một phát ngôn viên của quân đội Mali cho biết hiện vẫn chưa rõ ai là người đứng đầu lực lượng nổi dậy, và ai sẽ lãnh đạo đất nước khi ông Keita vắng mặt cũng như động cơ của cuộc bắt giữ là gì.
Điều này khiến đất nước vốn đang phải đối mặt với các cuộc nổi dậy và biểu tình của quần chúng càng chìm sâu hơn trong khủng hoảng.
Cuộc bắt giữ hôm 18-8 đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ cộng đồng quốc tế.
Cụ thể, Pháp và Liên minh châu Phi lo sợ rằng sự sụp đổ của chính quyền ông Keita có thể làm trầm trọng hơn các bất ổn ở Mali - một thuộc địa cũ của Pháp, và sau đó lan ra toàn bộ khu vực Tây Phi.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã lên án việc lực lượng nổi dậy bắt giữ tổng thống và thủ tướng Mali. Ông yêu cầu lực lượng này phải thả họ ngay lập tức.
"Tôi kịch liệt lên án vụ bắt giữ Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, thủ tướng và các thành viên khác của chính phủ Mali. Họ phải được thả ngay lập tức" - Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nói trên trang Twitter cá nhân.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp "lên án mạnh mẽ vụ việc nghiêm trọng này".
Đặc phái viên Mỹ tại khu vực Sahel (Châu Phi) - ông J. Peter Pham viết trên trang Twitter của mình: “Mỹ phản đối tất cả những thay đổi ngoài hiến pháp của chính phủ".