Sài Gòn - tờ báo thuở xưa - Bài 3:

Tổng xã báo vượt lũy tre làng bàn chuyện năm châu

(PLO)-  Tổng xã báo - dù tên gọi đậm chất quê nhưng bàn muôn việc, từ lũy tre làng cho tới tình hình thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ra số đầu tiên ngày 30-7-1939, giữa lúc khủng hoảng kinh tế lan tràn thế giới, Tổng xã báo không chỉ cày ruộng, chăn trâu nội dung sau lũy tre, nó bàn chuyện khắp ba kỳ, dạo khắp việc khắp năm châu, vượt rào đủ chính trị, kinh tế, văn hóa và nhiều chủ đề.

Báo của dân quê

Khi mới xuất hiện, báo tự giới thiệu là “Tuần báo xuất bản Chúa nhựt” với tòa soạn ở 248 Lagrandière, Sài Gòn (nay là đường Lý Tự Trọng). Báo do Dejean de la Bâtie, một nhà báo Tây lai, làm giám đốc (ông còn lập Jeune Annam (An Nam trẻ), quản lý báo La Cloche Fêlée (Tiếng chuông rè), Nguyễn Chánh Chiếu giữ vai quản lý. Báo kết thúc sứ mệnh năm 1945. Số 248, ngày 2-3-1945 là số Tổng xã báo cuối cùng mà chúng tôi tiếp cận được.

Diễn giải cho sự ra đời của báo, ngay trang nhất số 1 có bài “Thế nào là báo của tổng, xả [xã]?”. Báo lý giải rằng: “Một quốc gia như Việt Nam, từ khi lập quốc, chĩ [chỉ] lấy tổng xã làm gốc, lấy câu ví “hương thôn là tiểu triều đình” để đặt một phần quan trọng mà hương thôn đóng góp vào việc hành chánh của cã [cả] nước, thì nói chuyện tỗng [tổng], xã là khẩn thiết hơn lúc nào. Mục đích ra đời của Tổng xã báo là để trị cái bệnh thời cuộc của Nhà nước và dân chúng, cụ thể là trị bệnh của tổng xã, “đem lại cho dân quê sự cải thiện sanh hoạt, đòi với Nhà nước những cải cách thích thời”.

Tổng xã báo số 1, ngày 30-7-1939. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Tổng xã báo số 1, ngày 30-7-1939. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Thực hiện mục đích vì dân quê nên Tổng xã báo trong thời gian hoạt động giữa làng báo, nhiều tin, bài ưu tiên cho phần dân quê. Xem Tổng xã báo số 17, ngày 20-11-1939 có các bài “Địa vị hương chức rất khó khăn, trị bọn bất lương thì bị đâm chém. Để chúng tự do thì lương dân không thể làm ăn”, “Nâng cao trình độ của hương chức”, “Tình cảnh khó khăn của nông dân muốn đi gặt thuê” đều trên trang nhất. Tuy nhiên, về sau, tin về hương thôn ít dần, không còn có những bài dài, nằm ở vị trí trang nhất như dạo mới xuất hiện nữa mà đa phần trong phần điểm tin.

Báo cũng đăng những ý kiến, đề đạt của dân lên chính quyền. “Dân xin chính phủ trị bọn bất lương” của một nhóm dân làng Vĩnh Lợi trên Tổng xã báo số 12, ngày 15-10-1939; “Dân chúng ở Gocông than phiền về con đường số 3”trên số 25, ngày 25-2-1940 là hai trong những ý kiến được đưa lên báo. Đồng thời, báo còn mách nước cho dân trong mẩu tin “Kiện cáo, quý bạn đọc ở thôn quê nên lưu ý” trên Tổng xã báo số 38, ngày 2-6-1940 rằng nếu có việc phải ra tòa ở Sài Gòn, cần người thông hiểu luật pháp hoặc cậy đến luật sư thì cứ đến tòa soạn hoặc biên thư cho báo sẽ được báo giúp mà không phải trả tiền phí…

Mục “Từ chợ về quê” mở từ số đầu đăng tin tức thường nhật mọi lĩnh vực lớn nhỏ xảy ra ở chốn hương thôn các tỉnh. “Hai người Cao miên trúng số độc đắc”, “Một anh nông phu bị sét đánh trong khi làm việc”, “Cu li xích lô cướp tiền hành khách” là dăm tin chợ quê trên số 10, ngày 1-10-1939; cuộc tuyển cử vào Đại hội nghị kinh tế và lý tài Đông Dương, việc trợ cấp cho vợ con binh lính An Nam sang Pháp, hương chức bị chém là những tin chợ quê trên số 34, ngày 28-4-1940…

Tổng xã báo số đặc biệt tết Giáp Thân 1944. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Tổng xã báo số đặc biệt tết Giáp Thân 1944. Ảnh: Tư liệu của Đình Ba

Bàn chuyện muôn nơi

Tên báo dù kiểu dân quê chân chất nhưng nội dung thì rất nhanh nhạy thị thành. Ra đời giữa lúc thế giới đương trong thời cuộc Thế chiến thứ hai, Tổng xã báo theo sát chính trị hoàn cầu cập nhật cho độc giả được thông tỏ. “Tuần lễ chiến tranh” (số 31, ngày 7-4-1940), “Chiến tranh Đại Đông Á tuần lễ vừa qua” (số 172, ngày 25-6-1943) là một số tin tức điểm về chiến cuộc trên thế giới được báo đưa tin.

Tổng xã báo rất quan tâm tới hoạt động của chính quyền Nam kỳ, thường xuyên trên nhiều số Tổng xã báo, những tin, bài liên quan đến hoạt động của chính quyền được đưa lên, nhất là hoạt động của Toàn quyền. Đơn cử có bài “Sau khi ký hiệp ước kinh tế giữa Nhựt và Đông Pháp: Bài diễn văn của quan Toàn quyền Decoux và của ông Yoshisawa Đại sứ Nhật” (số 134, ngày 24-7-1942); các bài “Lời kêu gọi của quan Đô đốc J. Decoux để giúp nạn nhơn chiến tranh tại Đông Pháp”, “Hai đạo nghị định về hương thôn của Quan Toàn quyền vừa ban hành” (số 201, ngày 11-2-1944).

Thậm chí có lúc để cho độc giả dễ nhớ, báo còn diễn thơ. “Lời tuyên bố của quan Toàn quyền diển [diễn] ra bài ca”, số 32, ngày 14-4-1940 theo thể lục bát có những câu liên quan đến chiến sự với mở đầu như dưới đây: “Hởi [hỡi] Đông Pháp, hởi Lang sa,/Vì đâu buộc Pháp phải ra chiến tràng [trường]?/Mấy năm muốn đặng an bằng,/Lợi quyền nhượng Đức, Đức càng kiêu căng./Chiếm Tiệp, Áo, hiếp Balan [Ba Lan],/Rồi đưa thế giới vào đàng chiến tranh./Giữ lời hứa, nên Pháp, Anh,/Giúp Ba đánh Đức oai danh Pháp trào./Kẻo Đức cỗ [cổ] võ hô hào,/Nước mình cao thượng, nước nào có hơn…”.

“Việc lạ nên biết” là mục cung cấp những kiến thức mới cho độc giả, tỉ như “Người ta phát minh tàu lặn từ hồi nào?” (số 10, ngày 1-10-1939), “Cá ăn thịt chim” (số 21, ngày 24-12-1939). Là tờ tuần báo, Tổng xã báo hầu hết các số có phần truyện ngắn, tiểu thuyết dài kỳ hoặc thơ được đăng, trong đó có tiểu thuyết đăng dài kỳ “Anh hùng hiệp nữ” do Thi Minh dịch, truyện dài kỳ “Biệt giang hồ” của Khổng Dương… Mỗi khi tết đến xuân về, báo thực hiện báo xuân, báo tết gửi đến độc giả với thiết kế bắt mắt, nội dung phong phú mang hương vị xuân, tết. Mùa gió tết 1942, Tổng xã báo số đặc biệt tết Quý Mùi 1943, Tổng xã báo số đặc biệt tết Giáp Thân 1944… đều tăng trang, tăng bài và đối với độc giả đặt mua báo trọn năm thường được tặng không những số này mà không phải trả tiền thêm.

Cũng giống như đa phần các báo thời ấy, Tổng xã báo bị hệ thống kiểm duyệt báo chí để mắt tới. Có những bài bị cắt vì xét thấy có thể ảnh hưởng tới trị an của chính quyền thuộc địa. Trường hợp Tổng xã báo số 71, ngày 15-3-1941 bị “Ty kiểm duyệt bỏ” một số tin trong mục “Nghe thấy…” ở trang 2; số 81, ngày 23-5-1941 bị “Ty kiểm duyệt bỏ chọn bài” ở trang nhất là những dẫn chứng cho vấn đề đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm