TP HCM đề xuất xếp hạng 4 di tích kiến trúc cấp quốc gia

Các di tích này đều tọa lạc tại vị trí mặt tiền tuyệt đẹp thuộc phường Bến Thành và Bến Nghé của khu trung tâm quận 1, TP HCM. Những công trình kiến trúc này không chỉ mang dáng dấp vừa cổ điển vừa hiện đại mà còn là nơi biểu diễn nghệ thuật, trụ sở làm việc hay viện bảo tàng được người Sài Gòn và du khách tham quan, thưởng ngoạn.

Tính đến năm 2011, TP HCM có 124 công trình, địa điểm được xếp hạng di tích, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 53 di tích quốc gia và 70 di tích cấp thành phố. 

Nằm trên đường Lý Tự Trọng, Bảo tàng TP HCM còn được gọi là Dinh Gia Long cũ nổi bật với lối kiến trúc uy nghiêm. Ban đầu công trình được xây dựng với mục đích làm nơi triển lãm thương mại. Từ ngày 12/8/1978, công trình này được sử dụng làm Bảo tàng cách mạng TP HCM. Nơi này trưng bày và lưu trữ tài liệu về vẻ đẹp của Sài Gòn xưa, những cuộc vận động, khởi nghĩa tiêu biểu của TP HCM nói riêng và Nam Bộ nói chung từ năm 1859 đến năm 1945.

Nằm bên trái cổng vào Thảo Cầm Viên, Bảo tàng lịch sử Việt Nam đã ngoài 80 tuổi. Được xây dựng vào năm 1927, hoàn thành 1/1/1929 với nhiều tên gọi khác nhau, đến tháng 8/1979, di tích này được UBND TP HCM ra quyết định thành lập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Tòa nhà hình bát giác với hai tầng mái. Phần sau nhà được bố trí theo hình chữ U, khoảng giữa là hồ nước, cây cảnh. Bảo tàng tập hợp trên 5.000 cổ vật thuộc nền văn hóa Việt Nam và Đông Nam Á như: Chămpa, Phù Nam, Khmer, Lào, Indonesia, Nhật và Trung Quốc... Di tích này còn có nhiều tượng đá, bia đá, bình lọ gốm, các loại y phục dân tộc của các dân tộc từ Bình Trị Thiên trở vào, phần lớn có niên đại trên 1.000 năm.

TP HCM đề xuất xếp hạng 4 di tích kiến trúc cấp quốc gia ảnh 1
Tòa án nhân dân TP HCM. Ảnh: TAND TP.

Công trình kiến trúc nghệ thuật Tòa án nhân dân TP HCM nằm ngay mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Công trình này có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp kiến trúc Châu Âu - La Mã và giao thoa giữa văn hóa Đông Tây. Nét nổi bật nhất của công trình này là tượng và phù điêu trên tiền sảnh dưới mái cao nhất của tòa nhà. Đó là tượng thần công lý tay phải cầm kiếm, tay trái để lên cuốn sách ghi chữ CODE (bộ luật). Ngoài ra còn có tượng hai người Việt Nam ngồi hai bên. Người phụ nữ tóc búi cao, tay cầm nón, người đàn ông đội khăn với nét mặt nghiêm trang chăm chú.

Đã ngoài trăm tuổi, Nhà hát thành phố ở số 7 Công trường Lam Sơn được khởi công xây dựng vào năm 1898 trên nền nhà hát cũ gần khách sạn Caravelle và hoàn thành vào ngày 1/1/1900. Sau rất nhiều lần được tu bổ, đến năm 2007, TP HCM trùng tu di tích này với kinh phí 1,6 tỷ đồng. Ngày nay, công trình nổi bật giữa khu trung tâm Sài Gòn với những bức tường trắng tinh đắp nổi nhiều phù điêu, tượng nghệ thuật và họa tiết tinh xảo.

Theo Vũ Lê (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm