Chiều 21-6, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 4.
Ông Trần Lưu Quang đã giải đáp cặn kẽ những lo lắng của cử tri về việc sáp nhập phường cũng như các mối quan tâm khác của người dân.
Cử tri lo sáp nhập phường làm xáo trộn cuộc sống
Tại buổi tiếp xúc, một trong những vấn đề mà cử tri quan tâm là việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021.
Bà Trần Thị Tùng (cử tri phường 6) cho rằng đây là chủ trương đúng với nhiều mục tiêu. Tuy nhiên, việc thực hiện đề án này phải mang tính dài hạn và cần có lộ trình, tránh tình trạng tách rồi lại nhập, nhập rồi lại tách làm xáo trộn đời sống của người dân.
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang giải thích lý do phải sáp nhập các đơn vị hành chính. Theo ông, hiện nay có một số địa bàn có diện tích và dân cư quá lớn nên gây ra lãng phí khi bố trí một hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước ở đó, sáp nhập lại để giảm bớt các cơ quan quản lý nhà nước. Ông cho hay cách đây khoảng ba năm, các kỳ thu phí, thuế trên cả nước chỉ đủ chi thường xuyên, trong đó 75% chi cho các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức, còn khoản đầu tư nào cũng phải đi vay. “Nếu để kéo dài tình trạng này, nợ công đạt giới hạn nào đó thì có nguy cơ ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia. Cho nên chỉ còn cách phải cắt giảm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức” - ông Quang nói.
Ông cũng so sánh dân số của một số quận, huyện ở TP.HCM với tỉnh Tây Ninh, nơi trước đây ông công tác, để nói lên sự bất cập phải sáp nhập. “Trong mặt bằng chung, rất nhiều quy định không hợp lý với TP.HCM. Dân số của phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) là 146.000 người, trong khi TP Tây Ninh chỉ có 143.000 người. Công an ở TP Tây Ninh khoảng 90 người nhưng ở Bình Hưng Hòa dưới 30 người” - ông Quang nói.
Hay ở xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh có hơn 160.000 người, gấp 3-4 lần so với một huyện ở biên giới phía Bắc. “Nhưng bộ máy của nó là cấp phường, lương cấp phường, biên chế cấp phường... áp dụng cho TP.HCM là không hợp lý” - ông Quang nói và cho biết TP tiếp tục kiến nghị với trung ương về sự bất cập này.
Trước đó, do TP.HCM có tính đặc thù là đô thị đặc biệt, cùng với khối lượng công việc giải quyết ngày càng nhiều, mức độ phức tạp của công việc ngày càng cao nên Thành ủy TP.HCM đã kiến nghị trung ương nghiên cứu giao biên chế theo quy mô dân số và tính đa dạng, phức tạp của TP trên mọi lĩnh vực.
Thanh tra vòi tiền: Bức xúc nhưng không bất ngờ
Tại hội nghị, cử tri cũng quan tâm đến vụ thanh tra Bộ Xây dựng “vòi tiền” ở tỉnh Vĩnh Phúc. “Đây là sự thật mà cả xã hội rất bức xúc nhưng không bất ngờ. Trước đó có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, tại sao không phát hiện được, vậy nguyên nhân do đâu?” - bà Nguyễn Minh Tâm (cử tri phường 15) đặt câu hỏi và đề nghị phải xử lý tới nơi tới chốn, xử nghiêm để lấy lại niềm tin cho người dân, loại bỏ những kẻ tham nhũng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trần Lưu Quang cho rằng đối với lực lượng thanh tra hay những công việc giám sát tương tự đòi hỏi phải có đạo đức hơn những người khác. “Tôi nghĩ trong đầu có lẽ những ông này cần bồi dưỡng lương khá hơn chút, hay có khoản phụ cấp để bồi dưỡng cho sự liêm chính. Những người làm công tác này phải đàng hoàng, liêm chính, còn nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm và nặng hơn” - ông Quang nói.
Ông Quang cũng cho biết vụ việc tiêu cực ở Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng chỉ đạo, tới đây sẽ biết kết quả việc xử lý. “Tôi tin là sẽ xử lý xác đáng, đúng người, đúng sai phạm và đúng khuyết điểm. Xử lý nghiêm chứ không thể qua loa, đúng với vi phạm mà họ đã gây ra” - ông Quang khẳng định.
Ngoài những vấn đề trên, cử tri quận 4 cũng quan tâm đến nhiều vấn đề như đại biểu Quốc hội đề xuất phí chia tay khi xuất cảnh, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, tội phạm ma túy, gian lận thi cử, đặc biệt là về tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội vẫn tiếp diễn mặc dù Luật An ninh mạng đã có hiệu lực.
Chia sẻ với cử tri, ông Trần Lưu Quang cho biết hiện nay trên mạng xã hội tốt xấu lẫn lộn, nói xấu lẫn nhau, kể cả những việc liên quan đến an ninh quốc gia, công tác quốc phòng... “Chúng ta phải đấu tranh rất mạnh mẽ mới ban hành được Luật An ninh mạng” - ông Quang nói và tin tưởng thời gian tới đây Luật An ninh mạng sẽ được quản lý tốt hơn.
“Tôi từng rơi nước mắt…” Tại buổi tiếp xúc, bà Ngô Thị Mẫn (cử tri phường 2) đề nghị xử nghiêm tội phạm ma túy. Bà cũng đặt câu hỏi: “Người sử dụng ma túy là bệnh nhân hay tội phạm?”. Trả lời câu hỏi này, ông Trần Lưu Quang nói: “Ma túy nguy hiểm cỡ nào thì ai cũng biết. Tôi đã từng rơi nước mắt khi vào thăm một gia đình tán gia bại sản, trước đó vốn là một đại gia nhưng khi có hai người con trai dính vào ma túy thì không còn gì cả. Ở trong nhà đó, chia sẻ với những con người đó mới thấy tác hại khủng khiếp của ma túy”. Ông Quang cho biết với tội phạm ma túy sẽ xử lý nghiêm. Về câu hỏi người sử dụng ma túy là bệnh nhân hay tội phạm, ông Quang cho hay hiện nay quan điểm của chúng ta vẫn coi họ là bệnh nhân. |
Đại biểu Trần Lưu Quang tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 21-6. Ảnh: TL