“Không phải khi sáp nhập các phường thì đồng loạt tất cả người dân bị ảnh hưởng sẽ phải mang giấy tờ đi đổi lại. Cũng giống như việc đổi từ chứng minh nhân dân (cmnd) sang thẻ căn cước, khi hết hạn hoặc người dân thật sự có nhu cầu thì mới cần đổi, còn lại thì vẫn có thể để vậy, không ảnh hưởng gì cả” - ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chủ trương sáp nhập 15 phường tại TP.HCM.
Sẽ lấy ý kiến cử tri
. Phóng viên: Thưa ông, chỉ còn một thời gian ngắn, TP.HCM sẽ phải tiến hành sáp nhập các phường không đủ điều kiện về diện tích và dân số. Điều người dân lo lắng là sẽ làm xáo trộn cuộc sống của họ. TP sẽ tính toán như thế nào về vấn đề này?
+ Ông Đỗ Văn Đạo: Việc sáp nhập không chỉ riêng ở TP.HCM mà cả nước cùng thực hiện theo chủ trương chung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sáp nhập các phường chắc chắn ít nhiều sẽ có ảnh hưởng đến người dân các phường đó. Đây cũng là vấn đề mà TP hết sức cân nhắc và cẩn trọng khi thực hiện đề án sáp nhập.
Tuy nhiên, người dân cũng không nên lo lắng vì sự ảnh hưởng không quá lớn. Có thể ảnh hưởng đến người dân khi thực hiện các giao dịch. Chẳng hạn như trước đây làm các loại giấy tờ thì ra phường này nhưng khi sáp nhập thì phải đến phường mới… Bất cứ sự xê dịch, thay đổi nào cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định nhưng dần dần sẽ đi vào nề nếp. Đây là một chủ trương lớn của trung ương tạo ra hiệu quả trong việc tinh gọn bộ máy hành chính để phục vụ người dân tốt hơn. Mong rằng người dân sẽ đồng thuận, chia sẻ và cùng TP thực hiện thành công chủ trương này.
. Thực tế đã có những vụ việc khi thay đổi khiến người dân mệt mỏi, lo lắng và thậm chí phải chen lấn để được thay đổi. Không chỉ người dân mà cán bộ thụ lý cũng đuối. Chẳng hạn như yêu cầu cung cấp thông tin khi đăng ký SIM điện thoại, đổi cmnd… Liệu tình trạng này có xảy ra khi người dân phải đi đổi các loại giấy tờ sau sáp nhập các phường?
+ Có lẽ không nên hiểu khi sáp nhập là buộc mọi người phải đồng loạt đi đổi các loại giấy tờ. Tất cả loại giấy tờ của người dân vẫn còn nguyên giá trị, chỉ khi họ cần giao dịch, cần phải thay đổi hoặc hết hạn thì mới cần phải đi đổi lại.
Cũng giống như việc thực hiện cấp thẻ căn cước công dân, nếu người dân có nhu cầu hoặc hết hạn thì mới đi đổi. Nếu không thì vẫn sử dụng cmnd cũ vẫn còn giá trị cho đến lúc hết hạn.
Do vậy, người dân không nên quá lo lắng về việc này. Trong quá trình thực hiện, TP cũng sẽ tính toán để có hình thức tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, tránh tình trạng phải chen lấn như một số trường hợp đã xảy ra trong thực tế.
Không phải đây là lần đầu tiên TP tiến hành việc sáp nhập địa giới hành chính. Tuy nhiên, điểm mới của lần sáp nhập này sẽ là việc thực hiện lấy ý kiến của cử tri và để cử tri quyết định.
Cán bộ phường 14, quận Phú Nhuận từ khi biết thông tin sáp nhập phường vẫn làm việc bình thường, phục vụ người dân. Ảnh: LÊ THOA
Sẽ sắp xếp cán bộ dôi dư hợp lý
. Việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư sau khi sáp nhập các phường cũng là một vấn đề dễ ảnh hưởng đến tâm lý của họ. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
+ Hiện số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của 15 phường nằm trong diện phải sáp nhập cũng trên vài ba trăm người. Theo kế hoạch của UBND TP vừa ban hành, lộ trình của việc sắp xếp này sẽ được tiến hành từ năm 2019 đến 2021.
Cụ thể, năm 2019 sẽ kiện toàn tổ chức bộ máy, tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và giải quyết chế độ, chính sách với những người dôi dư tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong diện sắp xếp. Việc này sẽ làm liên tục từ năm 2019 đến 2021.
Năm 2020, khi tổ chức đại hội đảng bộ cấp huyện, xã nhiệm kỳ 2020-2025 tại những đơn vị hành chính mới sẽ tiến hành sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý và giải quyết chế độ, chính sách với những người dôi dư sau đại hội.
Năm 2021, sau khi tổ chức cuộc bầu cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026, cùng với việc kiện toàn bộ máy tổ chức HĐND, UBND cấp huyện, xã cũng sẽ tiến hành sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý. Song song đó là tiếp tục giải quyết chế độ, chính sách cho những người dôi dư.
. Trước thông tin sẽ sáp nhập 15 phường, hẳn sẽ có không ít cán bộ, công chức tâm tư và lo lắng. Ông có chia sẻ gì với họ?
+ Như đã trao đổi thì đây là một chủ trương lớn của trung ương, việc sắp xếp này cũng gắn với đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu quả. Đồng thời, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Chắc chắn khi thực hiện thì những người bị ảnh hưởng, trong đó có cán bộ, công chức sẽ không tránh khỏi tâm tư.
Hiện đa phần các phường đều đã nắm được thông tin này và đang chuẩn bị cho công tác sáp nhập. Cũng là một công chức, tôi hoàn toàn chia sẻ với những tâm tư của cán bộ, công chức trước thông tin này.
Trong kế hoạch của TP, việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư được tiến hành cẩn trọng và có lộ trình như đã nêu trên. TP cũng đang kiến nghị cần có khoảng thời gian để lực lượng dôi dư được ổn định về mặt tư tưởng và sắp xếp hợp lý, đồng thời có chế độ, chính sách phù hợp. Việc sắp xếp cụ thể như thế nào thì cần phải được tính toán chi tiết thực hiện.
. Xin cám ơn ông.
15 phường ở TP.HCM sẽ sáp nhập Theo Nghị quyết 1211/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính thì các phường, xã có diện tích dưới 5,5 km2 và dân số dưới 15.000 người thì phải sáp nhập. Theo đó, TP.HCM hiện có tám quận với 15 phường (chứ không phải 16 phường như thông tin ban đầu) nằm trong diện phải sáp nhập gồm: quận 2 (phường Bình Khánh, Thủ Thiêm, An Khánh), quận 3 (phường 6, 13), quận 4 (phường 5, 12), quận 5 (phường 10, 12), quận 6 (phường 2), quận 8 (phường 11), quận 10 (phường 3, 6), quận Phú Nhuận (phường 12, 14). Tổng số dân của 15 phường này khoảng 86.000 người. Hiện tám quận cùng 15 phường nêu trên đang chuẩn bị cho công tác sáp nhập. Tại quận 8, đầu tháng 6 đã hoàn thành xong kế hoạch và phương án sáp nhập giai đoạn 2019-2021. |
Đề xuất không sáp nhập ba phường ở quận 2 Tại quận 2, ba phường Bình Khánh, Thủ Thiêm, An Khánh hiện không đủ diện tích và dân số theo quy định. Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết ba phường này hiện nằm trong diện giải tỏa trắng để đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Hiện nay, dân số ba phường này đều chưa đạt 50% so với quy định, tuy nhiên khu vực này trong quá trình đầu tư xây dựng, khi hoàn thành, đưa vào sử dụng thì dân số sẽ tăng lên. Do đó, quận đề xuất giữ lại cả ba phường này để tránh trường hợp sau này phải sắp xếp một lần nữa” - ông Hưng cho biết. Liên quan đến đề xuất của quận 2, ông Đỗ Văn Đạo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết kiến nghị của quận 2 là phù hợp với thực tế và Sở cũng đồng tình với kiến nghị này. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là ý kiến của cấp tham mưu và sẽ chính thức khi có sự phê chuẩn của cấp trên” - ông nói. Theo ông Đỗ Văn Đạo, hiện nay Sở Nội vụ cũng đã làm việc với tám quận có các phường phải sáp nhập. Các địa phương đều đã triển khai công tác chuẩn bị sáp nhập các phường theo chỉ đạo của UBND TP. “Sau khi các địa phương hoàn chỉnh kế hoạch, phương án sáp nhập, Sở sẽ tổng hợp, trình UBND TP để trình Ban Thường vụ Thành ủy. Sau đó TP sẽ trình Bộ Nội vụ xem xét” - ông Đạo nói. VH |