Phát quang bụi rậm, tăng cường mảng xanh, cải tạo môi trường, bố trí nhiều công trình trang trí, đèn LED, lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh tại các vị trí bãi bồi, khu vực bán ngập nước… Đó là những hạng mục sẽ có trong ý tưởng cải tạo gần 1 km không gian bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm, TP Thủ Đức được Sở QH-KT trình UBND TP.HCM mới đây.
Bờ tây sạch đẹp, bờ đông nhếch nhác
Theo đó, đoạn được đề xuất cải tạo và sử dụng tạm có chiều dài khoảng 850 m, từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm, phường An Lợi Đông, TP Thủ Đức. Việc cải tạo không gian bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm dự kiến sẽ hoàn thành vào tết Dương lịch năm 2024 bằng vốn xã hội hóa.
Bờ sông Sài Gòn phía Thủ Thiêm ngay gần cầu Ba Son được làm kè và trồng cây xanh. Ảnh N. QUỲNH - N. NGỌC |
Ghi nhận của Pháp Luật TP.HCM chiều 11-9, từ trên cầu Ba Son nhìn xuống, một bên bờ sông là Công viên Bạch Đằng, quận 1 đã được chỉnh trang, cải tạo chỉn chu. Nhưng từ quận 1 nhìn về phía Thủ Thiêm, khu vực được quy hoạch là trung tâm tài chính quốc tế trong tương lai, lại là cảnh khá đối lập.
Bờ sông phía bên Thủ Thiêm trống trải, nham nhở, hoang sơ với cỏ dại mọc um tùm, rác thải khá nhếch nhác. Ảnh N. QUỲNH - N. NGỌC |
Bờ sông phía bên Thủ Thiêm trống trải, nham nhở, hoang sơ với cỏ dại mọc um tùm, rác thải khá nhếch nhác. Dọc theo đoạn đường từ cầu Ba Son đến hầm Thủ Thiêm là con đường mòn ven sông rải đá mi xanh, có đoạn còn là đường đất lồi lõm. Vài nơi được dùng để tập kết vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công các công trình tại khu đô thị Thủ Thiêm.
Vài nơi được dùng để tập kết vật liệu xây dựng phục vụ cho việc thi công các công trình tại khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh N.QUỲNH - N. NGỌC |
Đoạn đường này theo quy hoạch là nằm trong tuyến đường ven sông của khu đô thị Thủ Thiêm, dài 3 km, rộng 28 m. Bờ sông dọc theo tuyến đường này hiện cũng chưa được làm kè và lan can bảo vệ. Các bãi đất trống còn ngổn ngang gạch đá, rác thải…
Tương tự, đoạn đường từ đình An Khánh đến giáo xứ Thủ Thiêm chưa được trải nhựa, chỉ mới rải sỏi đá, có vài đoạn đường đất đá gồ ghề, bụi bặm. Chỉ có một đoạn ngắn tầm 300 m từ đình An Khánh đến cầu Ba Son là được trải nhựa, lắp đặt lan can, bờ kè. Vỉa hè được dọn dẹp sạch sẽ, lát gạch và trồng nhiều cây xanh.
Một đoạn ngắn tầm 300 m từ đình An Khánh đến cầu Ba Son là được trải nhựa, lắp đặt lan can, bờ kè. Ảnh N.QUỲNH - N. NGỌC |
Trong văn bản gửi UBND TP, Sở QH-KT cũng nhận định hiện trạng khu vực này chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Hiện trạng cảnh quan môi trường còn nhếch nhác, ô nhiễm do rác thải và khói bụi…
Sở QH-KT cho rằng điều kiện cảnh quan, môi trường trên đã ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực trung tâm, trực tiếp là khu vực bến Bạch Đằng, phía bờ tây sông Sài Gòn.
Công trình cải tạo tạm thời
Trong văn bản đề xuất ý tưởng cải tạo bờ đông sông Sài Gòn, Sở QH-KT nêu ba mục đích của việc cải tạo. Theo đó, thứ nhất là việc cải tạo cảnh quan môi trường đô thị đoạn đi qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, nâng cao giá trị cảnh quan dòng sông. Đồng thời tạo hình ảnh đô thị khu vực trung tâm, hiện đại, có tầm nhìn từ phía tây bờ sông Sài Gòn.
Mục đích thứ hai là cải thiện điều kiện tài nguyên môi trường, tạo không gian xanh, thoáng đãng phục vụ nhu cầu giải trí của người dân, hạn chế tối đa đến việc ảnh hưởng các công trình xây dựng, dự án tại Thủ Thiêm…
“Việc cải tạo cảnh quan môi trường đô thị đoạn đi qua khu đô thị mới Thủ Thiêm, nâng cao giá trị cảnh quan dòng sông. Đồng thời tạo hình ảnh đô thị khu vực trung tâm, hiện đại, có tầm nhìn từ phía tây bờ sông Sài Gòn.”
Cuối cùng là nhằm đảm bảo các hiệu quả tiết kiệm, tập trung khai thác cải tạo, lắp đặt và tái sử dụng cảnh quan tự nhiên, giảm chi phí, phù hợp tính chất là công trình sử dụng tạm thời.
Theo mục đích này, Sở QH-KT đưa ra nhiều nhiệm vụ phải làm trong thời gian tới để cải tạo không gian khu vực này để sử dụng tạm trong thời gian chờ thực hiện theo quy hoạch. Trong đó, đầu tiên theo Sở QH-KT là sẽ phát quang, làm sạch vệ sinh trên toàn tuyến. Qua đó tạo thông thoáng cho bờ sông với chiều dài 830 m, rộng 50 m, lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh tại các vị trí bãi bồi, khu vực bán ngập nước.
Sở QH-KT cho biết sẽ phát quang, làm sạch vệ sinh trên toàn tuyến. Ảnh N.QUỲNH - N. NGỌC |
Cùng với đó là việc cải tạo, nâng cấp cầu tàu hiện hữu với diện tích khoảng 800 m2 để tận dụng tạo không gian giao tiếp giữa lòng sông và bờ sông.
Khu vực phía trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm khoảng 200 m sẽ tận dụng các rào chắn công trình xây dựng kết hợp cây xanh đường ven sông tạo tường xanh dọc bờ sông. Tại các vị trí bãi bồi, khu bán ngập nước ở đây dự kiến sẽ được lắp đặt bè nổi trồng cây thủy sinh.
Cũng tại khu vực này, dự kiến bố trí màn hình LED phục vụ cổ động tuyên truyền tại khu vực trước nhà thờ đến nóc hầm Thủ Thiêm 150 m tạo hình ảnh sống động ánh sáng vào ban đêm. Ngoài ra sẽ tăng cường một số công trình trang trí như đu quay đứng, cầu đi bộ, công trình cảnh quan tại khu vực nóc hầm Thủ Thiêm và cầu cũ gần hầm.
Bờ sông Sài Gòn phía bờ đông sẽ được cải tạo để tương xứng cảnh quan khu vực bờ tây. Ảnh N.QUỲNH - N. NGỌC |
Sở QH-KT cũng nêu thêm ý tưởng phát triển các dịch vụ lưu động trên xe chuyên dùng tại bãi đất trống diện tích khoảng 3.500 m2 tại khu vực tiếp giáp cầu Ba Son để phục vụ nhu cầu của người dân…•
Việc cải tạo phải đảm bảo tương quan giữa cảnh quan hai bên
bờ sông
Cuối tháng 8, Văn phòng UBND TP.HCM có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi về các đề án, phương án chỉnh trang khu vực trung tâm TP. Chủ tịch TP.HCM giao UBND TP Thủ Đức chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án cải tạo, chỉnh trang khu vực bờ sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Ba Son đến đường hầm vượt sông Sài Gòn phía bên TP Thủ Đức.
Trong đó, việc cải tạo phải đảm bảo tương quan về kiến trúc cảnh quan khu vực hai bên bờ sông Sài Gòn giữa quảng trường công viên bờ sông của khu đô thị mới Thủ Thiêm và Công viên bến Bạch Đằng, gắn với việc lập quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 Công viên bến Bạch Đằng.